Phan Thiết đang dần trở thành một “thiên đường” nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Trong ảnh: Dự án Sealink Mũi Né. Ảnh: Phạm Văn Thành
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII và sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ cũng như quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, tỉnh Bình Thuận đã đạt được kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội. Nền kinh tế nhiều khởi sắc, đặc biệt là công tác thu hút đầu tư, mở ra nhiều điều kiện mới để phát triển nhanh.
Tuy nhiên, nhằm phát huy hơn nữa thế mạnh, tiềm năng để thúc đẩy kinh tế phát triển, trước mắt, tỉnh Bình Thuận đang tích cực tháo gỡ điểm nghẽn, tạo đột phá thu hút đầu tư.
Thứ nhất, vấn đề hạ tầng giao thông đối ngoại, liên kết với các không gian kinh tế Đông Nam bộ, Tây Nguyên và Nam Trung bộ là điểm nghẽn cần ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh đó, quyết tâm đầu tư tuyến đường ven biển ĐT.719 và ĐT.719B từ TP. Phan Thiết đi mũi Kê Gà và thị xã Lagi. Khi tuyến đường này hoàn thành sẽ giúp tỉnh khai thác tốt lợi thế kinh tế biển, đặc biệt là thu hút đầu tư vào vành đai du lịch, đô thị nghỉ dưỡng biển.
Về đường không, nhiều năm nay, tỉnh Bình Thuận chủ động, tích cực đề nghị triển khai các bước chuẩn bị đầu tư Sân bay Phan Thiết. Thủ tướng Chính phủ cho phép sân bay Phan Thiết nâng đường băng từ 2.400 m lên 3.050 m để các máy bay lớn có thể hạ cánh, với quy mô thiết kế lên 2 triệu lượt khách/năm. Dự án này đã được “hòa mạng” vào hệ thống cảng hàng không quốc gia khi được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt thay đổi thiết kế từ sân bay cấp độ 4C lên 4E. Hiện dự án này đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà đầu tư BOT hạng mục hàng không dân dụng. Khi Bộ Quốc phòng khởi công đường băng cất hạ cánh, thì hạng mục dân dụng cũng sẽ được triển khai xây dựng.
Thứ hai, tháo gỡ chồng lấn quy hoạch sa khoáng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia với các quy hoạch ngành khác, nhất là lĩnh vực du lịch, năng lượng. Hầu hết các dự án lớn, ven biển không thể triển khai vì vướng mắc này. Tỉnh Bình Thuận tích cực kiến nghị Chính phủ xem xét, có ý kiến điều chỉnh quy hoạch dự trữ titan theo hướng đưa ra ngoài quy hoạch khu vực chưa có điều kiện khai thác, nhằm “cởi trói” cho các dự án đầu tư lĩnh vực khác.
Nhân dịp lãnh đạo Chính phủ về làm việc với tỉnh Bình Thuận, địa phương tiếp tục kiến nghị chỉ đạo các bộ, ngành quan tâm tháo gỡ chồng lấn quy hoạch sa khoáng titan. Tỉnh Bình Thuận hy vọng, nút thắt này sẽ sớm được giải quyết, nhất là thời điểm địa phương thực hiện chủ trương của Chính phủ xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Tỉnh Bình Thuận đang thông qua nhiệm vụ quy hoạch, sau đó xin ý kiến Trung ương để cuối năm nay bắt tay vào việc lập quy hoạch.
Thứ ba, khắc phục tình trạng quá tải của hệ thống truyền tải điện. Tỉnh Bình Thuận đã được Bộ Chính trị xác định trở thành trung tâm năng lượng quốc gia. Tới đây, sẽ có thêm nhiều dự án năng lượng tái tạo được đầu tư, nên quá tải hệ thống truyền tải là vấn đề đáng ngại. Muốn thu hút nhà đầu tư vào ngành điện, cần có chính sách khuyến khích, đồng thời giúp nhà đầu tư làm ra điện đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ quyết tâm phối hợp với ngành điện lực để có bước đi cụ thể, giải quyết nhanh chóng điểm nghẽn để dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng không bị chững lại.
Chúng tôi kỳ vọng, với sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, cùng với việc các điểm nghẽn dần được tháo gỡ, tới đây, dòng vốn đầu tư vào tỉnh Bình Thuận sẽ bứt phá về cả lượng và chất, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển năng động và bền vững hơn.