Biết bao nền văn minh đã đến, đã qua. Biết bao mùa trăng đầy rồi lại khuyết. Trái đất vẫn quay. Thảm họa đi rồi lại đến. Và con người vẫn mãi quay cuồng trong mong cầu, giữa ranh giới mong manh của hạnh phúc, khổ đau.
Ừ, thì ngày khó khăn cứ đến, ngày gian khổ sẽ qua. Chuyện của trời sẽ vẫn cứ là chuyện của trời. Chuyện của người sẽ vẫn cuốn hút, thị phi, sẽ vẫn bày ra trên chợ đời dẫu còm nhiều còm ít.
Nhưng câu chuyện đời mình, mấy ai chú ý? Ta liệu có đang quên ta, quên sứ mệnh của chính mình, quên hạnh phúc đời ta? Ngoài kia, đời dẫu biến động thế nào, người dẫu hay dở ra sao, hành trình của ta liệu có thay đổi theo cuộc đời của họ?
Tương lai thuộc về người bắt kịp sự thay đổi và chuẩn bị đủ để nắm lấy thời cơ.
Tác giả Nguyễn Phi Vân có nói trong Mở cửa tương lai rằng: Resilience – sự kiên cường – là một phẩm chất quan trọng hàng đầu của thế kỷ 21 khi tương lai đầy bất định, khi các yếu tố tạo nên thành công biến hóa thay đổi khôn lường, khi thay đổi nhanh, cải tiến hiệu chỉnh liên tục sau mỗi thử nghiệm thất bại là con đường dẫn đến thành công. Nghiệt ngã thay, đó cũng là từ khóa vật vã nhất với người trẻ.
Một phần do hoàn cảnh sinh thành đầy đủ, được ấp ủ bảo bọc và bày sẵn cỗ mâm, tự thân môi trường và gia đình đã tước đi của những người trẻ khả năng tự lực cánh sinh, tự chịu trách nhiệm với bản thân, tự đứng lên khi vấp ngã.
Nhà trường thì tập trung dạy kiến thức, rất ít nơi coi trọng việc rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng làm việc và hội nhập tương lai cho thế hệ mà họ đang dìu dắt, nên tạo ra những thế hệ bằng cấp, điểm số lỗi thời nhưng sáng ngời.
Có điều, mảnh skill lận lưng để tự thân tồn tại, tự sống cuộc đời của chính mình, tự đối diện với bao nghiệt ngã ngoài kia hoàn toàn trống vắng. Họ thiếu chính kiến, trôi dạt theo đám đông, lan man trên mạng xã hội, dõi theo cuộc đời người khác.
Sự trỗi dậy của công nghệ chẳng giúp được gì ngoài việc tăng tốc cảm giác rất hối hả nhưng lớt phớt trên bề mặt, muốn tức thì nhưng bỏ cũng tức thời. Resilience trở thành một thứ phẩm chất xa xỉ, không có trong tự điển, thiếu trending và không đủ độ hot để quan tâm.
Con người ta chỉ lớn khi biết ngừng đổ thừa, ngưng dựa dẫm, và tự chịu trách nhiệm với bản thân. Không có bí kíp thành công tức thì. Càng không có bánh trung thu thành đạt được đúc sẵn trao tận tay, dâng tận miệng.
Không học tự đứng lên sau vấp ngã, không học thử nghiệm, sai sót, thất bại vài ngàn lần để eureka, không lì đòn, đời đánh mãi tớ chả thèm gục đâu, thì lấy ở mô ra thành tựu?
Với tác giả Nguyễn Phi Vân, Mở cửa tương lai không phải hành trình mang độc giả tới một chân trời mới, nơi có những thứ công nghệ hợp thời hay những kỹ năng sinh tồn phải có trong thời đại số.
Mở cửa tương lai giúp những ai đang thiếu tự tin trở nên tin tưởng chính bản thân mình; những ai đang hoang mang, ngờ vực sẽ sớm định vị lại mục tiêu cuộc đời; những ai còn phân vân giữa việc dừng lại hay bước tiếp sẽ chọn được lối đi cho mình; và cả những ai đang thành công vẫn sẽ tìm thấy những điểm đồng điệu để duy trì chất lượng cuộc sống của bản thân.
Ông Henry Nguyễn Bảo Hoàng – Tổng Giám đốc Ngân hàng số Timo chia sẻ trong lời tựa cuốn sách Mở cửa tương lai: “Tôi chọn lựa cuốn sách này của tác giả Nguyễn Phi Vân để làm hành trang cho các bạn trẻ khi chuẩn bị dấn thân vào cuộc sống. Tôi đánh giá cao sự đầu tư về nội dung của chị khi chị biết khơi nguồn và dẫn lối cho từng câu chuyện muốn chia sẻ theo cách vô cùng tâm lý và thật sự lôi cuốn. Từng vấn đề, từng điểm chưa hoàn thiện của giới trẻ được chị phân tích trực diện, có phần “thẳng thắn” và ngay sau đó là kim chỉ nam để các bạn thêm động lực tự trau dồi và phát triển bản thân.
Với hơn 20 năm sống và làm việc tại quê nhà Việt Nam và trực tiếp tham gia điều hành nhiều công ty và một quỹ đầu tư công nghệ lớn. Bên cạnh đó, tôi cũng gián tiếp tham gia vào ban cố vấn kinh doanh, chiến lược của các trường đại học và tập đoàn kinh doanh thuộc nhiều lĩnh vực như giáo dục, công nghệ, bán lẻ, thực phẩm đồ uống, tài chính, ngân hàng và gần đây nhất là trực tiếp điều hành Ngân hàng số Timo,… cũng như tham gia vào các tổ chức thiện nguyện. Bằng cảm nhận của một người con xa xứ khi trở về quê hương, tôi vô cùng tự hào khi thấy đất nước Việt Nam đang ngày một phát triển ở mọi mặt. Đặc biệt, các bạn trẻ Việt Nam đang nỗ lực học hỏi không ngừng để tiến bộ và ngày một vươn xa.
Tôi thật sự tin tưởng rằng ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ môi trường nào, chỉ cần các bạn biết làm chủ bản thân trong từng lời nói, hành động và cả suy nghĩ, con đường đến thành công sẽ không còn quá xa. Thậm chí, cho dù mọi nỗ lực không được đền đáp như ý muốn, các bạn cứ hãy mạnh dạn buông bỏ, nhìn nhận lại ưu khuyết của mình và tự tin tìm một con đường hay lối rẽ mới và lại bắt đầu bằng niềm tin và nhiệt huyết mới. Cứ tin tôi đi, những điều thú vị luôn bất ngờ chờ bạn phía trước.”
Trong “Mở cửa tương lai", tác giả cũng nhấn mạnh 3 từ khóa: Get Ready, Get Set và cuối cùng là Go. 3 từ khoá này là về tâm thế mà bất kỳ ai cũng cần để nhấn nút F5 - tái tạo bản thân để chuẩn bị cho thế kỷ mới. Đây cũng là 3 từ khoá dành cho bạn đọc của "Mở cửa tương lai" để chuẩn bị thái độ đón nhận những chia sẻ của tác giả qua 3 thời đoạn.
Tại mỗi cánh cửa tâm thế cần mở, tác giả rất hy vọng độc giả sẽ tháo gỡ tất cả những gánh nặng hay hành trang quá khứ, giữ cho bản thân thật trong trẻo, thật mở, thật đón nhận để có thể tiếp thêm cho bản thân những nguồn năng lượng mới, lạ, không nằm trong một chiếc khung chiếc hộp đã đóng sẵn nào, và đặc biệt là rất tương lai.
Thành Nhân