Ngày 3-6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chính thức ký văn bản số 664/TTg-KGVX đồng ý chủ trương cho phép thành lập Trường Đại học FLCtại tỉnh Quảng Ninh.
Phối cảnh Trường Đại học FLC
Văn bản này trên cơ sở đánh giá và đệ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc Văn phòng Chính phủ và phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Đại học FLC hoạt động theo mô hình đại học tư thục không lợi nhuận.
Theo đề án thành lập đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Trường Đại học FLC được xây dựng với quy mô dự kiến khoảng 50 ha tại phường Hà Lầm và phường Hà Trung, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, tổng vốn đầu tư ước tính gần 4.000 tỉ đồng.
Trường đặt mục tiêu đạt xếp hạng QS rating và kiểm định ASEAN University Network (AUN); xếp hạng AACSB đối với các chương trình quản trị kinh doanh trong thời gian ngắn nhất.
Hiện tại, Tập đoàn FLC đang nhanh chóng làm việc và thực hiện các thủ tục pháp lý với UBND tỉnh Quảng Ninh để hoàn thành thủ tục giao đất, cho thuê đất và các thủ tục pháp lý khác cho việc khởi công xây dựng Trường Đại học FLC trong năm nay.
Bên cạnh đó, việc đặt quan hệ hợp tác, ký kết MOU với nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo trong lĩnh vực công nghệ cao, du lịch và hàng không trong nước và quốc tế.
Tập đoàn FLC của tỉ phú Trịnh Văn Quyết cho biết hàng ngàn hồ sơ ứng tuyển đã được chuyển tới ban dự án thành lập trường, với đầy đủ các vị trí giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng, cán bộ quản lý, cố vấn chuyên môn…
Dự kiến tuyển sinh năm 2020 Với 3 chuyên ngành mũi nhọn là công nghệ cao, du lịch và hàng không, trường dự kiến tuyển sinh mùa đầu tiên vào cuối năm 2020 với quy mô tuyển sinh ban đầu là 600 sinh viên và tăng lên 6.100 sinh viên vào năm 2024 và 10.000 sinh viên vào năm 2035. Tính riêng trong lĩnh vực du lịch, theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Thực trạng tương tự đang diễn ra trong các ngành công nghệ cao và hàng không với những thách thức chung về trình độ chuyên môn, năng lực làm việc, kỹ năng hành nghề cũng như kỹ năng mềm… |