Tháo gỡ vướng mắc về quá tải đường bộ
Tháng 8/1991, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 55 năm 1992 phê duyệt tổng thể Quy hoạch hệ thống cảng nước sâu Thị Vải - Vũng Tàu. Từ phê duyệt này, Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải, các đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá tiềm năng, lợi thế phát triển hệ thống cảng trên tuyến Thị Vải - Cái Mép. Từ đó, xây dựng quy hoạch chi tiết, đặt nền móng cho sự hình thành, phát triển hệ thống cảng biển nước sâu tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Lợi thế cạnh tranh của Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là rất lớn nhưng cảng vẫn chưa được khai thác hết công suất. Năm 2015, công suất khai thác cảng là 40% thì đến năm 2020 chỉ lên mức 53%. Nguyên nhân chủ yếu do hạ tầng kết nối cảng với các trung tâm kinh tế trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hạn chế. Cụ thể, hiện đường bộ từ Bà Rịa - Vũng Tàu đi các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nam Bộ chỉ có duy nhất tuyến Quốc lộ 51, thường xuyên quá tải.
Ông Đinh Hồng Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) cho biết, Quốc lộ 51 đã đưa vào khai thác hơn 5 năm. Đến thời điểm này, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên toàn tuyến tăng gấp 3 lần so với thiết kế ban đầu, gây áp lực giao thông rất lớn. Đơn vị đang trình một kế hoạch để sửa chữa và nâng cấp phần nào cho tuyến đường huyết mạch này.
“Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch trình Tổng cục đường bộ xem xét, thỏa thuận cho những hạn mục mà ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đường, cụ thể là biển báo giao thông, xử lý các điểm ngập úng cục bộ, xử lý duy tu, vệ sinh đường sá trên tuyến”, ông Đinh Hồng Hà cho biết.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Cảng - Kỹ thuật Biển (PORTCOAST), Cái Mép - Thị Vải tương lai tiếp nhận thế hệ tàu lớn nhất thế giới hiện nay, có trọng tải đến 250 nghìn tấn. Hiện, cụm cảng còn khu vực có dư địa để phát triển rất tốt là Cái Mép Hạ. Tuy nhiên, Bà Rịa – Vũng Tàu cùng với các địa phương trong vùng cần phải nghĩ tới lợi ích quốc gia để liên kết với nhau, đầu tư cho hạ tầng kết nối.
“Thật ra có cái khó nhưng không vì thế mà chúng ta không làm. Theo tôi nghĩ, việc này không thể diễn ra một sớm, một chiều. Tức là không thể 2 năm hay 5 năm mà có thể là 5- 10 năm tới, nhưng phải làm vì đó là lợi ích quốc gia”, ông Phạm Anh Tuấn nói.
Khẳng định vị thế cảng biển
Hàng năm, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức hội nghị về nâng cao hiệu quả, khai thác hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải và các giải pháp phát triển dịch vụ logistics. Tỉnh cũng đã lập quy hoạch 1/2.000 cho việc xây dựng Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ để kêu gọi đầu tư... Những nỗ lực đó cũng đã thúc đẩy hệ thống cảng biển có sự chuyển biến mạnh mẽ, dịch vụ hậu cần cảng được quan tâm.
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện có 22 dự án hoạt động với tổng chiều dài cầu bến là 9.947 mét. Trong đó, có 7 dự án cảng container với công suất thiết kế đạt 6,8 triệu TEU/năm. Tháng 10/2020, cảng đã đón tàu có trọng tải trên 214.000 tấn, trở thành cảng đầu tiên của Việt Nam và là cảng thứ 19 của thế giới đón được tàu mẹ siêu lớn.
Tổng sản lượng hàng tàu biển thông qua hệ thống cảng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 10%/năm. Với lượng hàng tăng trưởng liên tục, Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ trực tiếp đi Châu Âu, Châu Mỹ và có tần suất đi Mỹ cao nhất Đông Nam Á, đã vào nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới từ năm 2019.
Hiện Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, kết nối liên vùng và khu vực, hình thành hệ sinh thái logistics để cụm cảng Cái Mép - Thị Vải để trở thành cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế; thu hút đầu tư cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt, tạo động lực mới cho phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, địa phương xác định, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ ưu tiên dành 20.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng kết nối giao thông liên cảng, liên vùng.
“Để phát huy được lợi thế Cụm cảng biển quốc tế Cái Mép – Thị Vải, Trung ương đã có chủ trương đầu tư cho tỉnh triển khai cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu. Song song đó, dự án cầu Phước An sẽ kết nối 2 tỉnh Bà Rịa– Vũng Tàu và Đồng Nai đưa vào vận hành sẽ đấu nối vào tuyến đường liên cảng và nối với cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ tạp thành tuyến giao thông thông suốt, khai thác hiệu quả nhu cầu vận chuyển hàng hoá trong cụm cảng Cái Mép– Thị Vải”, ông Nguyễn Công Vinh cho hay.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển đáp ứng thông quan lượng hàng hóa từ 1.140 - 1.423 triệu tấn; trong đó, hàng container từ 38 - 47 triệu TEU.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ VII tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng xác định, tập trung thực hiện đồng bộ 7 nhóm giải pháp phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên cơ sở Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 8 của Trung ương.
Sự phát triển cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung và Cái Mép - Thị Vải nói riêng đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và đất nước; đồng thời, bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo, nâng cao năng lực, vị thế quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế./.