Báo cáo “Đấu thầu mua sắm công từ góc nhìn của doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 16/6 cho thấy, cứ 3 doanh nghiệp thì có 1 sẵn sàng trả chi phí ngoài quy định, để tăng khả năng trúng thầu.
“Luật bất thành văn”
Các doanh nghiệp (DN) cũng cho biết đã phải trả các khoản chi phí không chính thức, để các bước chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thầu được trơn tru hơn. Nếu DN từ chối không chi trả các khoản này, thì tiến độ hoàn thành hồ sơ bị chậm trễ, không nộp được hồ sơ dự thầu, gây tổn thất lớn hơn cả khoản chi trả trên.
Đáng quan tâm, trong lĩnh vực y tế có 50% DN cung cấp thiết bị y tế đồng ý với nhận định về tình trạng chi trả hoa hồng để trúng thầu. Có gần 60% DN trong số này cho đó là “luật bất thành văn”, còn khoảng 30% DN cho biết đã chủ động thực hiện. Tỷ lệ này với các nhóm DN cung cấp trang thiết bị phòng chống dịch và dược phẩm lần lượt là 38% và 33%. Với các loại hàng hóa, dịch vụ khác, tỷ lệ DN sẵn sàng chi trả ngoài quy định là 39%. Đặc biệt, khảo sát của VCCI cho thấy, ở lĩnh vực y tế có 21,3% việc này được thực hiện do cán bộ phụ trách thầu gợi ý, trong khi ở lĩnh vực khác chỉ là 10%.
Có 50% DN cung cấp thiết bị y tế đồng ý với nhận định về tình trạng chi trả hoa hồng để trúng thầu.
Tại các đơn vị mời thầu là cơ sở y tế, tỷ lệ DN sẵn sàng chi trả chi phí ngoài quy định cao hơn các cơ quan khác (chiếm 40 - 45%). Đồng thời, tỷ lệ DN cho biết bị đối xử thiếu công bằng, bởi bên mời thầu là các cơ sở y tế cũng cao nhất trong số các đơn vị mời thầu.
Về khó khăn hay gặp phải khi tham gia đấu thầu các gói thầu do cơ sở y tế công lập làm bên mời thầu, 22% DN tham gia khảo sát phản ánh tình trạng thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu quá ngắn và 20% đề cập đến trở ngại về điều kiện thực hiện hợp đồng, tiêu chuẩn về năng lực nhà thầu khó bất thường.
Đại diện Nhóm nghiên cứu, ông Trương Đức Trọng, Ban Pháp chế của VCCI cho rằng, những con số trên phản ánh mức độ phổ biến của chi phí ngoài quy định trong hoạt động đấu thầu y tế là rất đáng quan ngại. Kết quả đó cho thấy hoạt động phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua có thể bị một số cá nhân và tổ chức lợi dụng để mưu lợi bất chính. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật, làm mất tính cạnh tranh lành mạnh của hoạt động đấu thầu mà còn làm giảm hiệu quả công tác ứng phó đại dịch của cả nước, làm mất niềm tin nhân dân, đặc biệt đối với y đức của những cán bộ ngành y tế.
Hàng loạt vụ việc sai phạm trong đấu thầu của các cơ sở y tế khiến nhiều cán bộ bị khởi tố trong thời gian gần đây, trong đó có một số lãnh đạo các trung tâm kiểm soát bệnh tật của các tỉnh, thành phố trên cả nước, lãnh đạo cấp vụ, Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Y tế... là một cảnh báo nghiêm túc về việc cần khắc phục những kẽ hở trong hoạt động đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, ông Trọng nhấn mạnh.
Thiếu công khai, minh bạch
Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI cho rằng, y tế có thể chỉ là một trong các lĩnh vực đấu thầu bị phát hiện tiêu cực do được đặc biệt chú ý trong 2 năm gần đây. Nhiều lĩnh vực khác như: đầu tư, xây dựng, giáo dục, tài nguyên - môi trường, mua sắm thường xuyên của các cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, mua sắm của các DN nhà nước… cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai phạm nếu không được giám sát chặt chẽ.
Theo ông Tuấn, DN gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia đấu thầu công tại địa phương. Có thể thấy, những khó khăn mà DN thường gặp nhiều nhất bao gồm thời gian chuẩn bị (nộp) hồ sơ dự thầu quá ngắn, thư mời thầu không công bố rộng rãi, điều kiện thực hiện hợp đồng quá khó, tiêu chuẩn về năng lực và kinh nghiệm nhà thầu khó bất thường, tiêu chí phụ không thỏa đáng, khó hoặc không mua được hồ sơ mời thầu.
Việt Nam cần nâng cao tính minh bạch và đẩy mạnh quá trình số hóa trong hoạt động đấu thầu công, trong đó lĩnh vực y tế phải là ưu tiên hàng đầu.
Trong khi đó, các DN vẫn còn e ngại khi kiến nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu và những vấn đề liên quan. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là thủ tục kiến nghị phức tạp. Ngoài ra là thấy chi phí và công sức kiến nghị tốn kém so với lợi ích thu lại; lo ngại bị đối xử bất công trong tương lai; chưa tin tưởng vào việc giải quyết kiến nghị của bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền và xử lý tố cáo của cơ quan quản lý nhà nước.
Báo cáo khuyến nghị cần sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng tăng cường tính công khai và minh bạch trong mua sắm đấu thầu công thông qua tăng cường sử dụng các biểu mẫu đấu thầu công mang tính cạnh tranh và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và hợp đồng kết hợp với việc tối ưu hóa sử dụng công nghệ cao (hệ thống đấu thầu công điện tử) trong hoạt động tổ chức và quản lý đấu thầu.
Đồng thời, cần tăng cường giám sát mua sắm đấu thầu công thông qua nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với cơ quan, tổ chức công mời thầu mua sắm, đấu thầu công, cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan chức năng ở địa phương cần tập trung vào chất lượng giải quyết các vấn đề và kiến nghị của DN tham gia đấu thầu thông qua việc xây dựng các cơ chế độc lập.
Ngoài ra, theo VCCI, đấu thầu mua sắm công còn chưa đồng bộ giữa Luật Đấu thầu với các luật khác, có sự chồng chéo tương đối lớn khiến cho quy trình đấu thầu đầu tư công chậm, chưa thực sự thuận lợi...
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện UNDP cho rằng, Việt Nam cần nâng cao tính minh bạch và đẩy mạnh quá trình số hóa trong hoạt động đấu thầu công, trong đó lĩnh vực y tế phải là ưu tiên hàng đầu.
(Nguồn: Vietnamnet)