Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo Việt Nam tháng 1/2022 đạt hơn 505.700 tấn, với kim ngạch đạt hơn 246 triệu USD, tăng 3,2% về lượng và giảm 2,8% về giá trị so với tháng trước.
Mặc dù giảm về giá trị so với tháng 12/2021, tuy nhiên kết quả xuất khẩu gạo tháng đầu năm 2022 đã tăng đến 46,3% về lượng và tăng 29,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về sản lượng và giá trị. Ảnh: VTV.vn
Về thị trường, Philippines vẫn là thị trường số 1 của xuất khẩu gạo Việt Nam khi nhập khẩu trên 234.000 tấn, tương đương 110 triệu USD, tăng 38% về lượng và gần 21% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Vượt qua Trung Quốc, Bờ Biển Ngà vươn lên thành nhà nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với 56.600 tấn, tương đương kim ngạch 23 triệu USD, tăng 424% về lượng và 252,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Trái với triển vọng tích cực của Philipines và Bờ Biển Ngà, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm 36% về lượng và 37% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 37.000 tấn với trị giá gần 19 triệu USD.
Xuất khẩu gạo trong năm 2022 được dự báo tiếp tục duy trì thứ hạng tốt do ngành lúa gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng (tỷ trọng gạo thơm tăng lên, năng suất lúa được cải thiện). Các doanh nghiệp lớn như Lộc Trời, Tân Long, Intimex, Trung An… tiếp tục được đối tác ký kết các đơn hàng lớn, giá trị cao.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, dự kiến xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 vẫn đảm bảo trên 6 triệu tấn. Mục tiêu này đang đi đúng trọng tâm của ngành lúa là giảm sản lượng xuất khẩu và tăng giá trị nhờ vào các chủng loại gạo chất lượng cao, giá cao, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa đưa ra dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2022 đạt 48,8 triệu tấn, tăng khoảng 100.000 tấn so với năm trước. Trong đó, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 đạt 6,4 triệu tấn; Thái Lan đạt 6,5 triệu tấn, bằng năm 2021.
“Nhiều quốc gia tiêu thụ gạo lớn, trong đó có Trung Quốc tiếp tục tăng dự trữ gạo, tăng nhập khẩu từ nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam. Nhu cầu lương thực gia tăng do lo ngại dịch bệnh thúc đẩy giá gạo tăng”, USDA nhận định.
Theo Tiêu dùng (tieudung.vn)