Ông Trần Ngọc Châu, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Mỹ TPHCM – Trưởng ban Tổ chức Hội thảo, cho biết đây là hoạt động thường niên của Hội Hữu nghị Việt – Mỹ TPHCM nhằm cổ vũ quan hệ giữa hai nước.
Tại Hội thảo, các diễn giả tập trung vào 4 bài học kinh nghiệm như: nghiên cứu, điều tra xã hội học về giáo dục và công khai kết quả điều tra; bắt đầu cải tổ từ cấp học nào; vai trò của doanh nghiệp hàng đầu tham gia vào cải tổ giáo dục và bài học về tổ chức các hội nghị thượng đỉnh cấp quốc gia về giáo dục.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright chia sẻ rằng dù có nhiều ý kiến cho rằng giáo dục chúng ta đang gặp rất nhiều vấn đề nghiêm trọng nhưng ông đã nêu lên nhưng số liệu nghiên cứu phản bác.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du chia sẻ tại hội thảo
Theo TS Du, khi tìm trên Google sẽ có gần 600 triệu bài báo nhắc đến “khủng hoảng giáo dục” nói chung trên thế giới. Nhưng tách ra từng quốc gia thì ở Hoa Kỳ thì có 500 triệu kết quả, ở Nhật Bản thì 162 triệu, ở Anh có gần 300 triệu, ở Việt Nam là 9,2 triệu.
“Như vậy, cứ tìm khái niệm “khủng hoảng giáo dục” ở bất kỳ nước nào trên thế giới, nhất là các nước phát triển trên thì có đến trên 100 triệu kết quả liên quan. Điều đó cho thấy thế giới cũng luôn luôn gặp khủng hoảng giáo dục. Nhưng nếu nhìn vào Việt Nam thì thấy rằng tình hình không đến nỗi nghiêm trọng. Thời gian này hàng loạt vấn đề như gian lận thi cử kỳ thi THPT, tình trạng thất nghiệp… nhưng nhìn vào số liệu thì kết quả không đến nỗi bi đát”, ông Du nói.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tham gia ý kiến tại hội thảo.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng nhiều học sinh việt Nam đạt giải cao ở các cuộc thi olympic quốc tế, sinh viên được các ĐH danh tiếng thế giới cấp học bổng nhưng đó là do bản thân họ quá thông minh, chịu khó trong khi hệ thống giáo dục vẫn còn nhiều vấn đề về chất lượng giảng dạy, chưa hoàn thiện để là động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của học sinh như các nước có nền giáo dục phát triển.
Bà Đàm Bích Thủy – Chủ tịch Đại học Fullbirght Việt Nam, đã chia sẻ một số kinh nghiệm từ giáo dục Hoa Kỳ mà trường đang áp dụng và cho rằng, khi đưa một chương trình giáo dục của Hoa Kỳ áp dụng vào điều kiện giáo dục của Việt Nam, mặc dù nó ưu việt, nhưng liệu chương trình có còn thực sự đáp ứng nhu cầu của thế kỷ 21 hay không và có nên nhập khẩu nguyên chương trình hay không?
Các Diễn giả thảo luận về thực trạng của nền giáo dục Việt Nam hiện nay
Với vai trò nhà hoạch định chính sách giáo dục, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho hay, các chương trình giáo dục của chúng ta trước đây chỉ thiên về cung cấp kiến thức cho người học, nhằm trả lời câu hỏi Học sinh biết gì sau khi học. Trong khi đó, với chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tiến tới phát triển toàn diện người học, để trả lời câu hỏi “Học sinh biết làm những gì”.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận về thực trạng của nền giáo dục Việt Nam hiện nay, những thách thức và giải pháp để đem lại hiệu quả, tạo dựng được lòng tin của nhân dân đối với ngành giáo dục.
Hiện Việt Nam cũng được xếp ở nhóm nước có tỷ lệ chi ngân sách khá lớn cho giáo dục, cũng là nơi có rất nhiều lựa chọn về giáo dục và đào tạo, từ phổ cập tới chuyên biệt. Người học có thể đi theo lộ trình bình thường với các trường công lập, dân lập, tư thục hoặc lộ trình với tiêu chuẩn quốc tế từ bậc tiểu học tới tận đại học.
Việt Nam cũng nằm trong top những quốc gia có số lượng học sinh đi du học lớn và Hoa Kỳ là nền giáo dục được du học sinh Việt Nam lựa chọn nhiều nhất. Hiện, có khoảng hơn 20.000 du học sinh Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ.
Ngọc Thảo