Số lượng người dùng ngày càng giảm mạnh nhưng vẫn chiếm dụng tài nguyên tần số vô tuyến. Công nghệ quá lạc hậu đồng thời gây ra nhiều bất cập, thậm chí trở thành nguy cơ an ninh, an toàn thông tin. Đó là hiện trạng của công nghệ mạng di động 2G ở Việt Nam và trên cả thế giới.

Chỉ còn 5% người dùng điện thoại 2G

Ra đời từ năm 1991 với tốc độ khoảng 0,1Mbps, công nghệ mạng 2G chỉ phục vụ thoại và tin nhắn SMS. Nó đã được kế thừa bằng công nghệ mạng 3G được thương mại hóa từ năm 2001 với tốc độ tới 42Mbps hỗ trợ truyền dữ liệu (data) mở ra thời internet di động.

Xóa sóng 2G, dành tài nguyên cho mạng mới - Ảnh 1.

Nhiều điện thoại cho người dùng phổ thông giá rẻ giờ cũng có tính năng kết nối mạng 3G và 4G. (Ảnh: Tech Advisor/internet)

Đến thời điểm giữa năm 2022, 2G chỉ còn chạy trên các điện thoại di động đời cũ. Từ cách đây ít năm, ngay cả các mẫu điện thoại chức năng dành cho người dùng phổ thông cũng đã được các hãng tích hợp chức năng 3G rồi sau này nâng lên 4G. Theo một báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường GfK, trung bình mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ trên 20 triệu điện thoại. Trong đó, smartphone chiếm khoảng 60% và đang tăng nhanh; còn điện thoại chức năng ( "điện thoại cục gạch") chỉ chiếm 40% và đang giảm mạnh.

Theo số liệu của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), cuối năm 2021, Việt Nam đã có 91,3 triệu thuê bao smartphone. Đến tháng 3-2022, tổng số thuê bao dùng smartphone tại Việt Nam đã tăng lên 93,5 triệu. Ước tính tỉ lệ người trưởng thành sử dụng smartphone đạt khoảng 73,5%. Hiện chỉ còn khoảng 10 triệu thuê bao đang sử dụng điện thoại phổ thông. Đây là đối tượng đã được Bộ TT-TT đưa vào các kế hoạch chuyển đổi lên smartphone trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Bộ này cũng đặt mục tiêu đến tháng 12-2022, chỉ còn 5% người dân dùng điện thoại 2G, giảm 20% so với thời điểm năm 2021.

Hồi cuối năm 2021, kế hoạch tắt sóng 2G từng được Bộ TT-TT đề cập, đề xuất phương án dừng công nghệ di động mặt đất cũ (2G, 3G) sớm nhất là từ năm 2022 với một lộ trình phù hợp. Theo dự kiến vào năm 2023, khi lượng thuê bao di động sử dụng mạng 2G tại Việt Nam giảm còn khoảng 5% là thời điểm thích hợp để tắt sóng 2G. Đến tháng 9-2024, khi các giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và các giấy phép tần số để triển khai mạng di động hết hạn, bộ này sẽ không tiếp tục gia hạn giấy phép sử dụng băng tần số vô tuyến điện sử dụng cho công nghệ 2G/3G.

Tốc độ 4G tăng thêm khoảng 25%

 
 

Theo Thông tư số 43/2020/TT-BTTTT ngày 31-12-2020 của Bộ TT-TT, từ ngày 1-7-2021, các điện thoại di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên.

Việc tắt sóng 2G sẽ giải phóng băng tần cho các công nghệ mạng tiên tiến. Mạng 2G sử dụng các băng tần từ 900MHz đến 1.800MHz. Hiện nay, băng tần 1.800MHz đang được mạng 4G xài chung với 2G. Theo giới chuyên môn, đây là một trong những lý do khiến công nghệ 4G ở Việt Nam chưa thể đạt tốc độ thiết kế. Vì thế, nếu được sử dụng toàn bộ băng tần 1.800MHz, tốc độ mạng 4G dự kiến tăng thêm khoảng 25% so với hiện nay.

Với khả năng của mình, điện thoại 2G phải đứng bên lề công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Nó không thể tham gia các dịch vụ công online, các dịch vụ online như mua sắm, giao dịch, khám bệnh… Vì vậy, công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ không thể trọn vẹn khi không thể tiếp cận các dịch vụ tới các thuê bao 2G. Đó là lý do mà một trong những mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính là phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh tới từng người dân. Rõ ràng, việc tắt sóng 2G sẽ nâng tỉ lệ người dân sử dụng smartphone và thúc đẩy tiến trình phổ cập các dịch vụ số online.

Chính vì công nghệ lạc hậu kết hợp với đối tượng người dùng "cực kỳ phổ thông", mạng 2G hiện trở thành một nguy cơ về an ninh thông tin. Ba nhà mạng di động lớn tại Việt Nam (Viettel, VNPT và MobiFone) đã khẳng định rằng tin nhắn giả mạo ngân hàng không phải do lỗi của các nhà mạng mà do thiết bị phát sóng giả mạo của tội phạm mạng. Do các điện thoại, kể cả smartphone, tại Việt Nam hiện vẫn chấp nhận cả giao thức công nghệ mạng 2G có độ bảo mật thấp, tội phạm mạng dễ xâm nhập và lấy cắp thông tin. Thậm chí, do các smartphone tự động kết nối với các mạng từ nhanh xuống chậm dần (thí dụ nếu không kết nối được với mạng 4G sẽ tự động chuyển xuống 3G rồi tương tự là 2G), kẻ xấu có thể dùng chiêu trò để ép điện thoại của nạn nhân phải kết nối với mạng 2G cho chúng dễ xâm nhập.

Việc cho mạng 2G "nghỉ hưu" thực tế cũng là một vấn nạn toàn cầu. Châu Á đang tiên phong tắt sóng 2G. Một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản (từ năm 2011), Macao, Singapore (năm 2017), Hàn Quốc… giờ đã "nghỉ chơi" với 2G. Đài Loan và Thái Lan cũng đã thông báo về kế hoạch sớm dừng mạng 2G. Tại Ấn Độ, nhà mạng Rcom không còn cung cấp mạng 2G/3G từ năm 2017. Nhà mạng China Unicom (Trung Quốc) thông báo tắt 2G vào tháng 12-2021. Thực tế hiện nay ở Việt Nam, số lượng điện thoại phổ thông chỉ hỗ trợ mạng 2G chủ yếu là ở vùng nông thôn và với đối tượng người dùng có thu nhập thấp hay người già. Trong khi đó, điện thoại hỗ trợ 3G trở lên đang ngày càng rẻ và phổ cập. Việc duy trì sóng 2G giờ đây không có lợi về kinh tế, kỹ thuật và cả về an ninh mạng.

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam không nên luyến tiếc 2G. Tuy nhiên, việc tắt sóng 2G phải bảo đảm hài hòa các lợi ích của nhà nước, nhà mạng và người dùng. Nếu được thì có thêm cả lợi ích cho nhà kinh doanh và các nhà sản xuất (chủ yếu là hàng tồn kho do từ tháng 7-2021 đã không được phép sản xuất và nhập khẩu điện thoại thấp hơn công nghệ 4G). 

Hỗ trợ người dân chuyển đổi

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel, nhấn mạnh quyết định tắt sóng 2G phụ thuộc vào chiến lược của Bộ TT-TT, nhu cầu khách hàng cũng như chiến lược của doanh nghiệp, đặc biệt là lợi ích của người dùng. Nhà nước có thể liên kết với các nhà mạng để có những chương trình hỗ trợ người dân có khó khăn chuyển đổi từ điện thoại chức năng (2G) lên điện thoại thông minh (từ 3G trở lên).

 

Theo PHẠM HỒNG PHƯỚC/NLĐ