TCT Bình dương làm trái chủ trương Tỉnh uỷ để đất vàng “lòng vòng” về tay tư nhân
Liên quan đến khu đất vàng 43ha thuộc dự án khu đô thị (KĐT) Tân Phú, ngày 8/4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã phối hợp với các cơ quan chức năng đã khởi tố bắt tạm giam ba lãnh đạo của TCT Bình Dương do có những sai phạm khi chuyển nhượng 43 ha đất công tại phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một cho Công ty Tân Phú.
Trong quá trình góp vốn liên danh, Tổng Công ty Bình Dương đã tự ý lấy khu đất công 43ha đang thực hiện Khu đô thị Tân Phú, để góp vốn thay vì góp bằng tiền mặt theo chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương. Tổng Công ty Bình Dương được xác định đã không thực hiện đúng quy định về thẩm định giá, đấu giá tài sản theo quy định của nhà nước.
Cần làm rõ dấu hiệu “né nghĩa vụ thuế” giữa Công ty Âu Lạc và Công ty Kim Oanh trong giao dịch tại dự án 43ha KĐT Tân Phú.
Cụ thể, ngày 1/7/2010, TCT Bình Dương (thuộc tỉnh ủy Bình Dương) ký hợp đồng liên doanh với Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu Lạc) để thành lập Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú). TCT Bình Dương góp 43 ha đất bằng 60 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ, Công ty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng giữ 70% vốn điều lệ, để thực hiện dự án KĐT – TM – DV Tân Phú rộng 43 ha.
Ngày 8/12/2016, TCT Bình Dương chuyển nhượng toàn bộ 30% vốn góp là 43 héc ta đất (tương đương 161,1 tỷ đồng) tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Trên thực tế, thông qua 2 hợp đồng ngày 2/10/2017, ngày 6/2/2018 việc giao dịch mua bán giữa Công ty Âu Lạc và Công ty Kim Oanh diễn ra, tính đến nay đã hơn 2 năm 2 tháng. Về việc mua lại vốn tại Công ty Tân Phú, Giám đốc Công ty Kim Oanh, bà Đặng Thị Kim Oanh cho biết, giá mua ngang với giá vốn của Công ty Tân Phú.
Cụ thể, việc chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Kim Oanh thì Công ty Âu Lạc đã chấp nhận bán thấp so với giá trị được tính với TCT Bình Dương lên đến hơn 327 tỷ đồng? Trong đó, giá trị KĐT Tân Phú được tính theo bảng giá đất quy định của UBND tỉnh Bình Dương năm 2016 thì tổng giá trị đất lên khoảng 3.124 tỷ đồng.
Theo bảng cân đối kế toán đến ngày 31/12/2017 của Công ty Tân Phú tổng tài sản là hơn 277,6 tỷ đồng, nợ ngắn hạn hơn 77,6 tỷ đồng. Hàng tồn kho là hơn 250 tỷ. Giá vốn này phù hợp với 5 giao dịch chuyển tiền của cá nhân bà Đặng Thị Kim Oanh và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP. Hồ Chí Minh để góp vốn. Trong đó, có 4 lần Công ty Kim Oanh chuyển tiền cùng ngày 31/01/2018 với nội dung “Thanh toán tiền theo hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp N19.09.2017 (Tan Phu)”, tổng giá trị hơn 200 tỷ đồng.
Cơ quan thuế TP. Hồ Chí Minh không có thông tin về thuế của giao dịch mua bán giữa Công ty Âu Lạc và Kim Oanh Group
Theo đó, việc chuyển nhượng phần vốn tại Công ty Tân Phú giữa Kim Oanh Group với Công ty Âu Lạc đã hoàn tất vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính năm 2017, 2018 của Công ty Âu Lạc lại không thể hiện dòng tiền, thuế thu nhập DN từ việc chuyển nhượng vốn tại Công ty Tân Phú? Điều bất thường, trong báo cáo tài chính của Công ty Âu Lạc đều không thể hiện dòng tiền. Như vậy, hoàn toàn có quyền nghi ngờ có thể hiểu những giao dịch “ma” được “liên minh” này thực hiện nhằm né thuế là có cơ sở?
Dự án 43ha KĐT Tân Phú hiện đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương điều tra làm rõ các sai phạm.
Theo đó, việc mua bán, chuyển nhượng dự án 43ha KĐT Tân Phú đều không thấy phát sinh trên sổ sách kế toán và dữ liệu từ cơ quan thuế TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, việc Công ty Âu Lạc góp 70% vốn bằng 140 tỷ đồng tiền mặt cùng với TCT Bình Dương để thành lập Công ty Tân Phú. Tiếp đến, là việc mua lại 30% vốn của TCT Bình Dương là 43 ha đất công với giá chỉ 161,1 tỷ đồng để sở hữu toàn bộ Công ty Tân Phú. Sau nữa, là bán 100% vốn Công ty Tân Phú trị giá 250 tỷ đồng cho Công ty Kim Oanh.
Trong ba giao dịch này của Công ty Âu Lạc chưa thấy có chuyển động nào của dòng tiền thể hiện trên hệ thống quản lý thuế của Công ty này. Thậm chí, trong vòng 4 năm từ 2016 đến 2019 (thời điểm Công ty Âu Lạc thực hiện việc mua, bán Công ty Tân Phú), bộ thuế của Công ty Âu lạc còn chưa hề phát sinh bất kỳ hoạt động kinh doanh nào.
Như vậy, Công ty Âu lạc dùng nguồn tiền 161,1 tỷ đồng của ai để mua lại 30% vốn của TCT Bình Dương? Mặt khác, khoản tiền 250 tỷ thu về từ bán Công ty Tân Phú cho Công ty Kim Oanh cũng không thấy phát sinh trên sổ sách kế toán. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng Cơ quan thuế TP. Hồ Chí Minh không kiểm soát được giao dịch trên?
Xét khía cạnh Công ty Kim Oanh, số tiền giải chi 250 tỷ mua Công ty Tân Phú từ Công ty Âu lạc cũng chưa thấy bộ thuế của Công ty Âu Lạc thể hiện khoản thu này. Về nguyên tắc, Công ty Kim Oanh chi 250 tỷ đồng cho thương vụ này cũng phải là dữ liệu phải báo cáo quyết toán thuế thu nhập hàng năm.
Trong khi đó, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (thay đổi lần thứ 6) của Công ty TNHH MTV Tân Phú do Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp ngày 29/6/2018 thể hiện chủ sở hữu của Công ty Tân Phú là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP. Hồ Chí Minh, khi đó do bà Đặng Thị Kim Oanh làm đại diện pháp luật, Tổng Giám đốc công ty.
Rõ ràng, việc chuyển nhượng, mua bán dự án KĐT 43ha Tân Phú đã diễn ra. Tuy nhiên, trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp thì nghĩa vụ thuế chưa thể hiện sự minh bạch, vì sao Công ty Kim Oanh vẫn tiến hành trọn vẹn thủ tục hành chính để làm chủ sở hữu Công ty Tân Phú?
Thiết nghĩ, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương điều tra làm rõ dấu hiệu né thuế giữa Công ty Âu Lạc và Công ty Kim Oanh trong giao dịch tại dự án 43ha KĐT Tân Phú để Nhà nước tránh được thất thu ngân sách là điều cần phải làm.
Tấn Phát-ĐT