Xu hướng hiện tại của chỉ số vẫn đang là đi ngang
Tiếp xu hướng tăng điểm cuối phiên 29/3, VN-Index mở đầu phiên giao dịch 30/3 tăng điểm tích cực lên vùng 1.065 điểm và sau đó chịu áp lực bán điều chỉnh trở lại vùng 1.060 điểm. Kết phiên giao dịch ngày 30/3, VN-Index tăng 3,11 điểm (+0,29%) lên 1.059,44 điểm tiệm cận vùng giá đỉnh ngày 15/3 với thanh khoản tăng tốt. Độ rộng cải thiện tích cực trở lại với 190 mã tăng điểm (6 mã tăng trần), 176 mã giảm điểm (2 mã giảm sàn) và 77 mã tham chiếu. HNX-Index tăng 0,36 điểm (0,18%) lên mức 205,95 điểm với 75 mã tăng điểm (5 mã tăng trần), 79 mã giảm điểm (10 mã giảm sàn) và 68 mã giữ giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 12.069 tỷ đồng, gia tăng vượt mức trung bình khi dòng tiền ngắn hạn có tín hiệu luân chuyển trong thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng phiên thứ 2 liên tiếp trên HOSE với giá trị bán ròng gia tăng khá mạnh 408,08 tỷ đồng. Trong đó, bán ròng đột biến đối với cổ phiếu STB và VPB, SSI. Bán ròng HNX với giá trị 8,04 tỷ đồng.
Thị trường vẫn có diễn biến phân hóa trái chiều trong từng nhóm ngành với dòng tiền có tín hiệu luân chuyển, gia tăng vào các mã chưa tăng nhiều thể hiện điển hình như trong nhóm chứng khoán, dịch vụ tài chính như: VCI (-2,13%), CTS (-1,25%), VND (-0,97%)... BVS (+5,65%), BSI (+3,59%), AGR (+2,42%), MBS (+1,37%)... Nhóm cổ phiếu ngân hàng mặc dù chịu áp lực bán ròng đột biến của khối ngoại nhưng vẫn có diễn biến khá tích cực với thanh khoản đột biến như HDB (+3,31%), STB (+2,56%), MSB (+2,46%), VIB (+0,47%).. ngoài một số mã chịu áp lực điều chỉnh như SHB (-1,85%), TCB (-1,07%), MBB (-0,27%)... Nhóm bất động sản, bất động sản thương mại phân hóa tích cực như: VRE (+2,2%) nhờ thông tin thảo luận bán vốn cổ phần, ITC (+6,99%), VHM (+3,23%), NVL (+1,99%)... ngoài ra, nhiều mã chịu áp lực điều chỉnh như: IJC (-1,92%), DIG (-1,90%), NLG (-1,33%)..
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), VN-Index đóng cửa ở mức giá thấp nhất ngày, điều chỉnh từ kháng cự với thanh khoản gia tăng cho thấy áp lực chốt lời vẫn đang mạnh khi chỉ số chạm ngưỡng kháng cự trên ở quanh mốc 1.060 – 1.065 điểm. Mặc dù vậy, việc chỉ số vẫn duy trì đóng cửa tăng điểm so với phiên trước đó vẫn là tín hiệu rất tích cực.
“Với diễn biến đóng cửa như phiên 30/3, chỉ số sẽ lấp lại gap tăng giá và kiểm định lại ngưỡng bình quân 50 phiên trong từ 1 đến 2 phiên sắp tới. Xu hướng hiện tại của chỉ số vẫn đang là đi ngang nhưng đang có cơ hội chuyển sang tăng giá. Chỉ số cần vượt ngưỡng 1.065 điểm để xác nhận chuyển đổi xu hướng trong tuần tới. Trong phiên cuối cùng của tháng 3, chỉ số vẫn sẽ lấp lại gap tăng giá và duy trì ở vùng giá hiện tại để tạo tiền đề cho nhịp tăng giá vào tháng tới”, chuyên gia của TVSI nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia của TVSI cũng lưu ý, nhà đầu tư chỉ nên mua mới trong các phiên điều chỉnh giá đỏ và đóng cửa không thủng vùng giá cân bằng trong các phiên gần đây ở quanh ngưỡng 1.045 – 1.050 điểm. Các nhóm ngành nên chú ý giai đoạn tới là: chứng khoán, đầu tư công, bất động sản, ngân hàng và thép.
VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục rung lắc
Còn theo Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), quan sát đồ thị kỹ thuật, chỉ số có 8 phiên tăng điểm với biên độ hẹp dưới 1%. Với việc đóng của bằng cây nến đỏ dạng Inverted Hammer cho thấy cung chủ động tại vùng giá cao tương đối lớn. Do đó, trong phiên giao dịch hôm nay 31/3, trạng thái tích lũy trong biên độ 1.055 – 1.070 điểm nhiều khả năng tiếp diễn.
“ Kết quả kinh doanh Quý 1 sẽ được công bố trong thời gian sắp tới với dự báo kém khả quan. Điều này có thể ảnh hưởng đến diễn biến của thị trường, vì vậy, nhà đầu tư không nên mua đuổi tại những nhịp thị trường tăng giá mà nên ưu tiên xử lý các cổ phiếu thăm dò sai để đưa danh mục về mức an toàn 30% - 40% cổ phiếu. Đối với các nhóm ngành đang thu hút dòng tiền như chứng khoán, xây dựng – vật liệu xây dựng, khu công nghiệp, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ”, chuyên gia của Agriseco lưu ý.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) đánh giá, về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên tạo nến có dạng shooting star ở khung đồ thị ngày. Vùng 1.060 điểm hiện tại cũng khá gần dải Bollinger Band trên và đây cùng là vùng mà đường MA50 cắt qua, đồng thời cũng là vùng đỉnh cũ gần nhất nên có thể coi khu vực này là ngưỡng cản tâm lý trong ngắn hạn.
“Với diễn biến hiện tại, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục rung lắc trong những phiên tới và nếu lực cầu không gia tăng thuyết phục giúp chỉ số vượt kháng cự thì xác suất MACD hình thành 2 đỉnh phân kỳ âm sẽ cao hơn và gia tăng rủi ro đảo chiều. Các nhà đầu tư nên hạn chế mua thêm những mã đã ghi nhận mức tăng lớn trong những phiên vừa qua, đồng thời, chủ động hiện thực hóa lợi nhuận một phần và có thể canh mua lại ở những nhịp thị trường chung rung lắc điều chỉnh giảm trong phiên”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị./.