VN-Index có khả năng hồi phục trở lại ngưỡng tâm lý 1.400 điểm
Thị trường chứng khoán giảm điểm trong phiên thứ ba liên tiếp với thanh khoản trên mức trung bình. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 21/10, VN-Index giảm 9,03 điểm (-0,65%) xuống 1.384,77 điểm. Độ rộng trên sàn HOSE là tích cực với 244 mã tăng, 56 mã tham chiếu, 206 mã giảm. HNX-Index tăng 0,16 điểm (+0,04%) lên 388,45 điểm. Độ rộng trên sàn HNX là tích cực với 155 mã tăng, 47 mã tham chiếu, 90 mã giảm. Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn suy giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với khối lượng khớp lệnh 799 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh 22.175 tỷ đồng.
Có đến 27/30 cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 kết phiên trong sắc đỏ, có thể kể đến như: VJC (-3%), SAB (-2,1%), GAS (-2%), MSN (-2%), POW (-2%), VPB (-2%), HDB (-1,8%), ACB (-1,7%), MWG (-1,7%), SSI (-1,5%)... tạo ra áp lực điều chỉnh mạnh lên thị trường chung. Ở chiều ngược lại, chỉ có 3/30 cổ phiếu lớn là còn giữ được sắc xanh như: KDH (+1,4%), HPG (+0,5%), PDR (+0,3%)...
Nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ đi ngược thị trường chung khi vẫn thu hút được dòng tiền và đồng loạt tăng giá, có thể kể đến như: DIG (+4%), FLC (+3,9%), KDH (+1,4%), SCR (+2,3%), DXG (+2,6%), ASM (+3,2%), TDH (+6,6%), HQC (+7%), NTL (+6,9%), HDC (+1,6%), BII (+9,5%)... Cổ phiếu dệt may cũng có một phiên tích cực với: VGT (+3,9%), TCM (+6,5%), TNG (+1,6%), PPH (+6,4%), NDT (+11,1%)...
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường đã có biến động mạnh trong phiên ATC với áp lực bán gia tăng khiến chỉ số VN30 (-1,05%) giảm khá mạnh. Điều này giúp cho những nhà giao dịch nắm giữ vị thế short thu lợi trong phiên đáo hạn hợp đồng VN30F2110. Tuy nhiên, diễn biến tăng hay giảm mạnh là không quá bất ngờ trong những phiên đáo hạn. Khối ngoại bán ròng khoảng 800 tỷ đồng trên hai phiên cũng tạo nên một phần áp lực lên thị trường.
“Với ba phiên giảm liên tiếp nhưng chỉ số VN-Index vẫn giữ được vùng hỗ trợ trong khoảng 1.375-1.380 điểm nên khả năng để hồi phục trở lại trong phiên hôm nay 22/10 để hướng đến ngưỡng tâm lý 1.400 điểm là vẫn còn. Trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng thì có thể VN-Index sẽ cần test lại lực cầu trong vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 1.375-1.380 điểm”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Nhà đầu tư nên duy trì vị thế nắm giữ, tránh bán ra theo hiệu ứng tâm lý thị trường
Còn theo nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), phiên giảm điểm ngày 21/10 đã chấm dứt chuỗi đi ngang biên độ hẹp những ngày qua, tuy nhiên, VN-Index vẫn đang trong kênh tích lũy hướng lên từ 1.375 – 1.420 điểm. Hiện tượng thị trường tăng/giảm đột ngột xung quanh thời điểm các quỹ ngoại tái cơ cấu danh mục và đáo hạn hợp đồng tương lai là điều thường thấy và sẽ không gây ảnh hưởng nhiều lên xu hướng chung của chỉ số.
“Nhà đầu tư nên duy trì vị thế nắm giữ, tránh bán ra theo hiệu ứng tâm lý thị trường mà thay vào đó là tận dụng những nhịp điều chỉnh để tích lũy thêm các nhóm cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng tốt như bất động sản, vật liệu xây dựng, đầu tư công và xuất khẩu”, chuyên gia của Agriseco khuyến nghị.
Ông Trần Xuân Bách, Chuyên gia Phân tích và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, nhịp điều chỉnh ngắn của thị trường vẫn chỉ đơn thuần là nhịp giảm kỹ thuật trong một xu thế tăng của thị trường trong ngắn hạn.
Chuyên gia của BVSC dự báo, VN-Index sẽ hồi phục tăng điểm trở lại trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, nếu không thể vượt lên vùng 1.388 điểm trong phiên kế tiếp, chỉ số sẽ kéo dài thời gian điều chỉnh và giảm về vùng hỗ trợ mạnh hơn nằm tại 1.350-1.358 điểm.
“Với triển vọng tích cực của thị trường trong ngắn hạn, các nhịp điều chỉnh của thị trường là cơ hội để nhà đầu tư thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư vào những mã có triển vọng tốt trong Quý 4”, ông Trần Xuân Bách nhận định./.