VN-Index có thể hồi phục trở lại để hướng đến ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm
Những tin đồn tiêu cực đã khiến cho thị trường chứng khoán có phiên đầu tuần khá chao đảo. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 28/3, VN-Index giảm 15,32 điểm (-1,02%) xuống 1.483,18 điểm. Độ rộng thị trường là tiêu cực với chỉ 142 mã tăng (19 mã tăng trần), 43 mã tham chiếu, 315 mã giảm (16 mã giảm sàn).
Cổ phiếu "họ FLC" là tâm điểm trong phiên 28/3 khi bị bán sàn hàng loạt và còn dư bán sàn rất nhiều như AMD (-7%), ROS (-7%), HAI (-6,9%), FLC (-6,8%), FLF (-9,9%), KLF (-9,9%), ART (-9,6%). Đà bán mạnh tại nhóm cổ phiếu FLC cũng lan sang cả các cổ phiếu bất động sản, xây dựng khác khiến nhóm này giảm mạnh, thậm chí giảm sàn như: DIG (-7%), LDG (-6,9%), HQC (-6,9%), NBB (-6,9%), HAR (-6,9%),... Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đi theo xu hướng chung với: SSI (-2,8%), VND (-2,9%), VCI (-1,9%),... chỉ có FTS (+6,5%) là giữ được sắc xanh. Ấn tượng nhất trong phiên 28/3 là nhóm thủy sản khi thu hút mạnh dòng tiền và tăng giá ấn tượng: VHC (+2,7%), CMX (+6,9%), ANV (+4,2%), FMC (+6,9%), MPC (+6,8%), ACL (+6,8%)...
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường chịu ảnh hưởng bởi tin tức tiêu cực trong phiên 28/3 đã dẫn đến áp lực bán trên diện rộng. Rất may là lực cầu vùng giá thấp vẫn đủ tốt để thu hẹp mức giảm này. Xét trên góc độ kỹ thuật, tuy giảm khá mạnh trong phiên đầu tuần, nhưng chỉ số VN-Index vẫn kết phiên trong vùng hỗ trợ 1.480-1.485 điểm (MA20-50).
“Trong kịch bản tích cực, trong phiên giao dịch hôm nay 29/3, VN-Index có thể ngay lập tức hồi phục trở lại để hướng đến ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm. Nhưng trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể đánh mất vùng hỗ trợ kể trên để lui về các vùng giá thấp hơn để tìm kiếm lực cầu bắt đáy. Tuy nhiên, trong bất kỳ kịch bản nào, nhà đầu tư nếu đã tham gia mua vào trong vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm có thể tiếp tục nắm giữ. Nếu thị trường rơi mạnh về vùng hỗ trợ kể trên sẽ là cơ hội để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục”, chuyên gia của SHS nêu ý kiến.
Xu hướng tăng giá ngắn hạn đã kết thúc
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), VN-Index kết phiên với cây nến giảm điểm mạnh Bearish Engufling với bóng nến dài và thanh khoản tăng mạnh cho thấy áp lực bán trong phiên dù cho rất mạnh nhưng đã có lực cầu tích cực vùng giá thấp. Áp lực bán từ nhóm bất động sản (BĐS) tăng cao đi kèm đà giảm mạnh của các mã cổ phiếu dẫn đầu, cho thấy nhóm BĐS đã mất tính dẫn dắt của tuần trước đó. Tuy nhiên, một số nhóm ngành mạnh mẽ vẫn đang duy trì đà tăng tích cực như: bán lẻ, hóa chất hay một số nhóm ngành đã có tín hiệu tăng giá vào cuối phiên như BĐS – KCN, dầu khí và cảng biển, điều này cho thấy tín hiệu chuyển dịch của dòng tiền. VN-Index giảm từ kháng cự trên 1.515 điểm cho thấy nhịp tăng giá phục hồi đã kết thúc và đà giảm quay trở lại, xu hướng tăng giá ngắn hạn đã kết thúc, thị trường sẽ cần xác nhận vùng cân bằng mới trong các phiên tới.
“VN-Index vẫn đang giữ xu hướng đi ngang trung hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index quay trở lại xu hướng đi ngang với kháng cự trên là vùng 1.510 – 1.515 điểm và hỗ trợ mạnh phía dưới ở quanh vùng 1.430 – 1.450 điểm”, chuyên gia của TVSI nhận định.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) cho rằng, chỉ số giảm mạnh với thanh khoản lớn trong phiên 28/3 thể hiện tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư trong bối cảnh tranh chấp giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mặt khác, diễn biến trên thị trường chứng khoán trong nước cho thấy áp lực bán ở nhiều nhóm cổ phiếu vẫn còn tồn tại khá dày đặc ở vùng điểm số 1.500 điểm, đặc biệt là ở những nhóm ngành đã ghi nhận nhịp tăng nóng trong giai đoạn những tháng cuối năm 2021. Dưới góc nhìn kỹ thuật, chỉ số đang nằm dưới các đường trung bình động 20 và 50 ngày, cho thấy xu hướng giảm điểm nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp diễn trong ngắn hạn.
“Nhà đầu tư tạm thời không giải ngân mới tại thời điểm này, tuy nhiên cũng không kỳ vọng chỉ số chung sẽ điều chỉnh giảm quá nhiều. Diễn biến chủ yếu trên thị trường trong giai đoạn này nhiều khả năng sẽ vẫn là sự phân hóa giữa các nhóm ngành, trong đó cơ hội sẽ vẫn mở ra ở một số cổ phiếu sản xuất xuất khẩu được kỳ vọng phục hồi khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục lộ trình mở cửa sau dịch Covid. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn nên tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi thị trường ổn định trở lại rồi mới giải ngân, hoặc chỉ cân nhắc giải ngân với tỉ trọng nhỏ và hạn chế sử dụng đòn bẩy trong những phiên tới”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị./.