Thị trường sẽ tiếp tục gặp rung lắc
VN-Index có diễn biến khá kịch tính trong phiên đầu tháng 6 khi tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng 1.070 điểm với thanh khoản ở mức trung bình, sau đó lực cầu gia tăng, phục hồi tăng điểm tốt với thanh khoản tăng. Kết phiên giao dịch ngày 1/6, VN-Index tăng 3,22 điểm (0,30%) lên mức 1.078,39 điểm. Kể từ khi VN-Index giảm mạnh dưới đường MA200 ngày 19/4/2022 và sau gần 3 năm từ tháng 8/2020, VN-Index mới đóng cửa trên đường giá trung bình MA200, mở ra tâm lý kỳ vọng tích cực cho thị trường. HNX-Index tăng 1,16 điểm (0,52%) lên mức 223,97 điểm. Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt trên 15.500 tỷ đồng, giảm 12,83% so với phiên trước, duy trì vượt mức trung bình cho thấy mức độ phân hóa mạnh, nhiều mã chịu áp lực bán ngắn hạn, điều chỉnh với thanh khoản thấp.
Thông tin khá tích cực có thể hỗ trợ thị trường trong phiên 1/6 là Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật đình chỉ trần nợ 31.400 tỷ trong 2 năm. Dự luật sẽ được tiếp tục chuyển đến Thượng viện để xem xét thông qua trước hạn chót là ngày 5/6 nhằm giúp Mỹ tránh một vụ vỡ nợ gây hệ quả kinh tế nghiêm trọng. Thị trường bắt đầu phân hóa với nhiều mã chịu áp điều chỉnh ngắn hạn trong phiên đầu tiên tháng 6/2023 như: nhóm đầu tư công, xây dựng, vật liệu xây dựng với FCN (-1,62%), KSB (-0,75%), C4G (-0,74%), LCG (-0,74)... Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng chịu áp lực tương tự với thanh khoản ở mức trung bình như: PVB (-2,53%), PVC (-1,63%), PVS (-1,29%), PVD (-1,24%)... Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đa số có diễn biến tích cực nhất trong thời gian qua, nhiều mã tăng hết biên độ với thanh khoản đột biến mạnh như: KLB (+13,16%), BVB (+6,60%), NAB (+6,56%), OCB (+6,19%), TPB (+4,60%),...
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), thị trường ghi nhận một phiên giao dịch khá giằng co và đóng cửa tăng nhẹ về cuối phiên, mức cao nhất trong ngày, trong bối cảnh thanh khoản giảm nhẹ và cao hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy sự giằng co của bên mua và bên bán, đà hồi phục chưa thực sự rõ ràng. Do đó, thị trường sẽ tiếp tục gặp rung lắc trong phiên hôm nay 2/6.
“Trong phiên giao dịch hôm nay 2/6, sự giằng co có thể sẽ diễn ra giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1.070 – 1.075 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 1.080 – 1.085 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày”, chuyên gia của ASEANSC dự báo.
Xu hướng chung của thị trường vẫn sẽ rung lắc kèm theo sự phân hóa
Còn theo nhóm phân tích của Công Ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng nhưng áp lực điều chỉnh có thể gia tăng trong phiên hôm nay 2/6. Đồng thời, chỉ số VN-Index có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên chỉ số VN-Index có thể sẽ chưa thể vượt được vùng kháng cự 1.080 – 1.085 điểm trong những phiên giao dịch tới. Rủi ro ngắn hạn trên chỉ số VNMidcaps và VNSmallcaps có dấu hiệu gia tăng cho nên các nhà đầu tư cần hạn chế mua vào hai nhóm cổ phiếu này.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao và hạn chế mua mới ở vùng giá hiện tại”, chuyên gia của YSVN lưu ý.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) đánh giá, về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên thứ 3 liên tiếp hình thành nến hammer nhờ lực cầu quanh vùng điểm 1.070 cho thấy khu vực này hiện vẫn đang là ngưỡng hỗ trợ đáng tin cậy của thị trường trong ngắn hạn. Do đó, xu hướng chung của thị trường vẫn sẽ rung lắc kèm theo sự phân hóa và hướng lên khu vực 1.080 – 1.100. Tuy nhiên, nếu không sớm có phiên giao dịch tích cực giúp chỉ số chung vượt qua khu vực 1.080 thì xác xuất thị trường tạo phân kỳ âm ở khung đồ thị giờ là hoàn toàn có thể xảy ra và khi đó áp lực bán sẽ diễn ra lớn hơn.
“Các nhà đầu tư vẫn tiếp tục duy trì tỉ trọng cổ phiếu và có thể cân nhắc tận dụng những phiên rung lắc giảm điểm để gia tăng tỉ trọng thay vì mua đuổi cổ phiếu khi đã có xu hướng tăng giá mạnh”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị./.