Đua với châu Âu để kéo khách Trung Quốc
Trung Quốc công bố chính thức mở cửa từ 8/1 nên những này qua, tại cửa khẩu biên giới giữa Trung Quốc với các nước, trong đó có Việt Nam, chứng kiến hàng nghìn người xuất nhập cảnh. Đối với khách đăng ký đi du lịch quốc tế, số lượng cũng tăng mạnh. Trên trang mạng Trip.com, lượt đặt khách sạn đến Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Pattaya, Chiang Mai, (Thái Lan), Milan (Italy) tăng đến 500%. Lượng đặt dịch vụ xin visa đi Mỹ, Australia, Nhật Bản tăng cao.
Tuy nhiên, trong số các điểm đến đang được khách Trung Quốc lựa chọn không có Việt Nam. Bà Ngô Lan Phương, Tổng giám đốc Công ty CP lữ hành quốc tế Kim Liên, cho hay, các công ty du lịch Trung Quốc có lộ trình là sau Tết âm lịch mới hoạt động trở lại. Nhưng, ngay từ thời điểm này, du lịch Việt Nam không chỉ cạnh tranh quyết liệt với Thái Lan hay các nước Đông Nam Á, mà để đón được khách Trung Quốc, chúng ta còn phải cạnh tranh với châu Âu và chính thị trường nội địa Trung Quốc.
Bà Phương dẫn chứng, Maroc tuy không phải là nước giàu, nhưng đang miễn visa cho 34 nước, trong đó có Trung Quốc. Vừa tham dự hội chợ du lịch lớn nhất thế giới ở Anh về, bà nhận thấy các đại lý Trung Quốc được chào đón nồng nhiệt tại đây.
Do đó, châu Âu cũng rất muốn đón khách cao cấp Trung Quốc.
Song, do EU và một số nước thực hiện các biện pháp chống dịch khá chặt chẽ nên gần đây, có đến 51% lượng khách Trung Quốc đăng ký du lịch nước ngoài thay đổi lịch trình tour. Phần lớn khách chuyển sang các tour châu Á, nhất là những nước ASEAN, vì các biện pháp kiểm soát dịch “dễ thở” hơn. Vì thế đây là cơ hội cho du lịch Việt Nam, nếu biết tận dụng.
Du lịch nội địa Trung Quốc cũng rất hấp dẫn người dân nước này nên Việt Nam vấp phải sự cạnh tranh lớn. Nhưng do chi phí du lịch trong nước đắt hơn đi nước ngoài, đường bay đến một số địa phương tương đương bay sang Việt Nam nên chúng ta vẫn có lợi thế.
Hầu hết các đơn vị lữ hành, cơ quan quản lý đều dự báo khách Trung Quốc sang Việt Nam sẽ khó phục hồi nhanh.
Bởi, ngay cả với các chuyến bay đã lên lịch, theo ông Nguyễn Quang Thắng, Tổng Giám đốc công ty lữ hành quốc tế Tictours (Khánh Hòa), cũng có nguy cơ bị hoãn. Ông lo ngại, ngày 11/1 tới, chuyến bay đầu tiên của Vietjet Air chở khách Trung Quốc tới Cam Ranh, sau khi trao đổi với phía đối tác Trung Quốc, chưa chắc đã thực hiện được do vướng chính sách visa. Phải từ 18 đến 26/1 (từ 27 tháp Chạp đến mùng 5 Tết), mới có 8 chuyến bay đi, đến giữa Việt Nam từ sân bay quốc tế Cam Ranh và Trung Quốc. Mỗi chuyến bay chở trung bình 150-180 khách, tổng cộng khoảng 1.000 khách.
Đại diện của Vietnam Airlines phân tích, dù Trung Quốc đã nới lỏng chính sách y tế, nhưng do chưa có thông báo chính thức về chính sách visa từ cả hai chiều nên dự báo hết tháng 3/2023, tốc độ phục hồi khách Trung Quốc mới dần ổn định; sang quý II đạt 70% so với năm 2019 và quý IV đạt gần 90%.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cũng cho rằng, từ tháng 6-7/2023 mới là cao điểm khách Trung Quốc quay lại Việt Nam. Do đó, chúng ta cần sớm thống nhất quan điểm, đồng bộ các giải pháp đón khách.
Xóa bỏ định kiến “điểm đến giá rẻ”
Là doanh nghiệp đón khách Trung Quốc thuộc top đầu cả nước, Tổng giám đốc Kim Liên Travel Ngô Lan Phương chia sẻ, Việt Nam chưa đón được khách cao cấp từ thị trường này.
Trong suy nghĩ, khách Trung Quốc đang định vị Việt Nam là điểm đến giá rẻ, điểm đến chất lượng kém. Trước đây, khách Trung Quốc sang Việt Nam chủ yếu người già, người về hưu, ở quê, đi qua cửa khẩu. Họ chỉ cần mua tour giá vài trăm tệ (có đại lý Trung Quốc bán 200 tệ/người). Chưa kể các tour 0 đồng còn gây ra tình trạng lộn xộn, bát nháo, có dấu hiệu trốn thuế, thất thu ngân sách và gây thiệt hại cho du khách.
Bà Liên cho rằng, để bán được giá cao, doanh nghiệp phải thuyết phục được khách Trung Quốc, với những option (lựa chọn) hấp dẫn, kết hợp những trải nghiệm mới lạ. Giá tour có thể không quá đắt, nhưng khách rất hào phóng, sẵn sàng chi cho spa, chăm sóc sức khỏe, ăn uống, mua sắm,... Bà Phương dẫn chứng, khách Âu mua tour 200 USD/ngày có thể không tiêu gì khác, song khách Trung Quốc giá 100 USD nhưng tiêu tới 500 USD. Họ vào thì người đánh giầy, người bán hàng rong cũng có thu nhập. Đặc biệt là hiện nay, khi GDP trên đầu người tăng, khách Trung Quốc sẵn sàng mở hầu bao đi du lịch nước ngoài hàng năm.
Vấn đề đặt ra là chúng ta chưa kết nối được hãng lữ hành lớn tại Trung Quốc để thúc đẩy lượng khách. Các hãng chưa đặt Việt Nam trong hệ thống bán. Chỉ cần chen được chân vào đó là thành công. Bà Lan thông tin, riêng bộ phận Đông Nam Á của một hãng lớn đã mang lại doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm.
Do vậy, các tập đoàn, đơn vị lữ hành lớn của Việt Nam đang tìm mọi cách để có thể tiếp cận. Ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc kinh doanh vùng Đông Bắc Tập đoàn Sungroup, chia sẻ, qua hoạt động xúc tiến mạnh mẽ tại các địa phương có đông khách tới Việt Nam, doanh nghiệp kỳ vọng tiếp xúc được với các hãng lữ hành Trung Quốc cung cấp khách lớn, có dòng khách chất lượng, đi theo tour chính thống.
Với điểm đến Đà Nẵng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Xuân Bình cho hay, năm 2019, khách Trung Quốc chiếm 20% trong tổng số 650.000 khách quốc tế đến đây. 80-90% khách Trung Quốc đi theo đoàn, chủ yếu qua đường hàng không. Đà Nẵng xác định xây dựng thành phố thành điểm đến chất lượng cao, thay vì chạy theo số lượng.
Theo Vietnamnet