Ảnh minh họa
Một số chuyên gia cho rằng, ở một vài khu vực lân cận TP HCM BĐS đã có hiện tượng bị thổi giá, nhu cầu ở thực ít, chủ yếu nhu cầu đầu tư là chính. Với các dự án phát triển bài bản, hạ tầng hoàn thiện thì sức mua vẫn ổn, nhưng theo các chuyên gia sức mua cũng vẫn chủ yếu là đầu tư.
TS Sử Ngọc Khương, chuyên gia đầu tư BĐS cho rằng, khá nhiều CĐT "xí" được quỹ đất tại khu vực lân cận và phân lô bán nền. Với những khu vực xa xôi, hạ tầng chưa hoàn thiện người mua thực sẽ không xuống đó để mua, còn với nhà đầu tư giá đã chạm ngưỡng cao rồi nên họ không còn tập trung nữa. Chẳng qua, ở một số thị trường có hiện tượng "nóng sốt" là do bị đẩy giá, chứ thực tế tính thanh khoản không cao, không có nhu cầu ở thực.
Kết luận của Hội môi giới BĐS Việt Nam trong báo cáo mới đây chỉ ra, ở một số địa phương giá đất được đẩy lên quá cao, nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế và hạ tầng đô thị đã tạo giá ảo. Hiện tượng này dẫn đến hệ lụy: Cơ quan Nhà nước điều chỉnh thuế đất, người dân đòi tăng tiền đền bù giải phóng mặt bằng, dẫn đến sụt giảm hoạt động đầu tư phát triển đô thị. Đồng thời, giá ảo khiến các nhà đầu tư rời khỏi thị trường. Điều này làm suy giảm phát triển kinh tế địa phương và thị trường BĐS nói chung.
Dành lời khuyên cho NĐT khi bỏ tiền vào BĐS trong các năm tiếp theo, TS Sử Ngọc Khương chia sẻ, pháp lý vẫn là yếu tố cực kì quan trọng trong câu chuyện đầu tư.
Đối với những người không có tiền để mua nhà phố mà mua đất rồi tích lũy tiền xây nhà, những đối tượng này cần đặc biệt lưu ý đến đến pháp lý với chủ thể dự án, rất cần pháp lý rõ ràng nếu không rất dễ tiền mất tật mang.
Ngoài ra, theo ông Khương, những người góp vốn mua đất với CĐT, xây xong 2-3 năm sau CĐT mới làm sổ đỏ, các đối tượng này dễ bị các nhà phát triển BĐS làm ăn không trung thực "dối gian" về mặt pháp lý.
"NĐT lẫn người mua thực khi bỏ tiền vào BĐS cần hết sức cẩn thận về mặt pháp lý đối với những dự án phân lô bán nền, hợp đồng cọc vốn. Sẽ rất khó để người mua phân biệt được giao dịch thật hay ảo trong bối cảnh thị trường biến động. Trong khi bản thân câu chuyện hạ tầng là của nhiều năm sau. Cơ sở hạ tầng hay vốn ngân sách phải được tính toán trong dài hạn chứ không phải một sớm một chiều", ông Khương nhấn mạnh.
Theo dự báo, thị trường BĐS Việt Nam năm 2020 nhìn chung tiếp tục có sự giảm tốc nhưng theo các chuyên gia, thực chất hơn, không xuất hiện khủng hoảng thị trường ảo hay bong bóng. Nghịch lý duy nhất của thị trường BĐS 2020 là dù nhu cầu mua vẫn ở mức cao mà không thể đẩy mạnh đầu tư phát triển.
Theo Hạ Vy (cafef.vn)