Thị trường vàng miếng đang sôi động “bỗng dưng” trầm lắng
Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc công ty SJC tạm thời ngưng mua vàng miếng SJC loại “một chữ”, vàng móp méo, khiến người sở hữu vàng miếng loại này không khỏi lo lắng. Vàng miếng SJC “một chữ” là những mẫu vàng miếng có số sê-ri gồm một chữ trước dãy số, được sản xuất từ nhiều năm trước.
Thông thường với các loại vàng “một chữ” cũng như vàng bị móp méo, công ty SJC sẽ mua lại trên thị trường với khối lượng khoảng 1.000 lượng thì sẽ xin Ngân hàng Nhà nước cấp phép gia công lại rồi bán trở lại thị trường.
Nhưng khoảng 2 tuần trở lại đây, công ty SJC đã dừng thu mua vì lượng tồn kho đã lên khá cao nhưng chưa biết khi nào mới được phép gia công.
Nhìn nhận về sự việc này, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc có thu mua lại hay không là do quyền của công ty SJC. Khi họ bán vàng thì quyền sở hữu chuyển từ SJC sang người mua. Ở chiều ngược lại, thì khi người dân bán vàng miếng, việc SJC có mua lại hay không là quyền của họ. “Điều này về mặt pháp lý thì không thể bắt SJC thu mua lại”, ông Hiếu nói.
Trên thực tế, tại sao SJC tạm ngưng mua vàng miếng có seri một chữ? Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, SJC đã giải thích lý do là Ngân hàng Nhà nước chưa cho phép họ dập lại vàng miếng. Và nếu như họ không được dập lại trong khi lượng tồn kho của họ quá nhiều thì họ chưa thể mua lại được.
“Nhưng đó chỉ là lý do họ (công ty SJC – PV) nêu ra thôi, chứ còn lý do chính là Ngân hàng Nhà nước muốn hạn chế lại thị trường vàng miếng. Điều này có thể biến thị trường vàng miếng trước đây rất sôi động, nhưng với rất nhiều rào cản như hiện nay, thì đã trở nên trầm lắng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Chuyên gia này cho rằng, qua việc đấu thầu không thành công, qua việc bán vàng trực tiếp cho người dân qua mấy ngân hàng thương mại, và giờ đây thì bán online, và một số ngân hàng còn thông báo chỉ bán cho những người có tài khoản ở ngân hàng của họ thôi, đã cho thấy Ngân hàng Nhà nước muốn dần dần hạn chế sự vận hành của thị trường vàng miếng và đưa thị trường này vào trong định dạng không còn sôi động nữa.
Về sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường vàng miếng, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, cho đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc kéo giảm giá vàng SJC từ mức trên 90 triệu đồng/lượng xuống dưới mức 80 triệu đồng/lượng, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, hiện chỉ còn chênh khoảng từ 3 – 5 triệu đồng/lượng. Song, thành công đó chỉ có thể duy trì và tồn tại nếu người dân được đáp ứng nhu cầu mua vàng. Còn như thực tế hiện nay thì cung – cầu trên thị trường vàng miếng không ổn định. Người dân muốn mua vàng miếng mà không mua được.
“Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã đưa thị trường vàng miếng vào trạng thái “ổn định” đúng theo mong muốn của Ngân hàng Nhà nước”, ông Hiếu nói.
Chờ cấp phép cho gia công vàng
Vàng miếng SJC một chữ là những mẫu mã có một ký tự chữ ở trước dãy số sê ri trên miếng vàng. Những loại vàng này được Công ty SJC sản xuất giai đoạn từ năm 1992 đến năm 1996. Nghị định 24/2012 quản lý thị trường vàng quy định rõ "Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng".
Hiểu đơn giản, việc sản xuất vàng miếng là do Nhà nước thông qua Ngân hàng Nhà nước độc quyền tổ chức thực hiện, không có tổ chức, cá nhân nào được sản xuất vàng miếng, kể cả công ty SJC.
Theo chia sẻ của PGS. TS Nguyễn Hữu Huân trên Dân trí, vàng miếng một chữ không khác biệt so với vàng miếng hai chữ hiện tại.
Xét về nguyên tắc, ông Huân cho rằng, SJC phát hành ra vàng miếng thì phải thu mua, vì vàng là do chính SJC dập và bán ra. Hoạt đồng này khiến nhiều người nắm giữ vàng thời điểm trước hoang mang. Nhưng do Ngân hàng Nhà nước chưa cho mở xưởng dập lại các loại vàng này, dẫn đến việc SJC bị tồn kho.
Đây cũng không phải lần đầu loại vàng miếng SJC loại một chữ bị các đơn vị từ chối mua. Trước đó, giai đoạn 2015-2016, thị trường vàng đã từng xảy ra trường hợp này.
Thời điểm đó, SJC từ chối mua vào với lý do tương tự. Theo đó, khi người dân bán loại vàng này công ty vẫn mua vào nhưng khi bán ra lại rất khó khăn. Lượng hàng tồn kho lớn, gây mất cân đối vốn và có khả năng dẫn đến nhiều rủi ro. Vì vậy, SJC đã tạm ngưng mua vào, chờ được cấp phép gia công thêm.
Để giải quyết tình trạng trên, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần mở hạn mức cho gia công lại vàng một chữ, dập vàng miếng theo khuôn hiện tại. Khi đó, SJC mới có thể giảm hàng tồn và tiếp tục bán vàng miếng ra thị trường.
Cũng theo chuyên gia, việc gián đoạn thu mua vàng miếng SJC này cho thấy, thủ tục cấp phép của nhà điều hành tiền tệ cần phải nhanh hơn, đơn giản hơn nhằm không làm gián đoạn việc thu mua vàng trên thị trường.