Ngày 8/3 vừa qua, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) tổ chức Hội nghị Kinh tế Toàn cầu (GEM) tháng 3/2021 với sự tham gia của hơn 50 thống đốc ngân hàng trung ương các quốc gia phát triển và mới nổi tham dự, trong đó có Việt Nam.
Lạm phát đã gia tăng ở một số quốc gia là một điểm được lưu ý tại hội nghị trên, nhưng theo nhận định chung thì các biện pháp chính sách hỗ trợ vẫn là yếu tố quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế.
Tại Việt Nam, lạm phát tháng 2 vừa qua đã có mức tăng cao nhất 8 năm gần đây, nhưng so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức thấp.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2021 tăng 1,52% so với tháng trước, mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 2/2021 trong 8 năm gần đây và tăng 1,58% so với tháng 12/2020.
Lạm phát cơ bản tháng 02/2021 tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 0,79% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 0,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh diễn biến của lạm phát, thị trường đã có những thay đổi như chính sách hỗ trợ giá điện đã kết thúc, giá xăng dầu liên tiếp tăng mạnh, "cơn sốt" đầu cơ làm giá bất động sản lan rộng tại nhiều địa phương... có thể gây tâm lý tiêu cực trên thị trường.
Vậy thực tế và triển vọng lạm phát tới đây thế nào, có tiềm ẩn "cú hồi mã thương" lạm phát và lãi suất hay không, các giải pháp kiểm soát của Chính phủ?
BizLIVE có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) xoay quanh vấn đề trên.
KHI YẾU TỐ ĐẦU VÀO KHÔNG CÒN HỖ TRỢ...
Thưa ông, từ cuối năm ngoái đến nay, giá nhiều loại hàng hóa và nguyên vật liệu có xu hướng tăng đáng chú ý như sắt thép, xăng dầu..., hay gần đây là phân bón. Ông nhìn nhận về diễn biến này như thế nào?
Khi mà nền kinh tế cả trong nước và thế giới bắt đầu hồi phục, dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, hoạt động sản xuất quay trở lại thì nhu cầu nguyên vật liệu và tiêu dùng cũng quay trở lại. Do đó, giá các mặt hàng phục vụ tiêu dùng hay sản xuất kinh doanh tăng lên là điều tất yếu.
Điển hình như, các mặt hàng xăng dầu, sắt thép và mới đây là phân bón,... tăng tương đối đáng kể. Trên thế giới, giá các mặt hàng nguyên vật liệu cơ bản tăng khá mạnh, đơn cử như xăng dầu tăng trung bình 20% so với năm ngoái.
Điều này dẫn đến giá hàng hoá trong nước tăng theo, xăng dầu từ 13.000 - 14.000 đồng/lít đã tăng lên mức 17.000 - 18.000 đồng/lít.
Tác động của xu hướng trên là lạm phát tăng lên. Theo ông diễn biến này có đáng ngại không, hay khả năng một "cú hồi mã thương" của lạm phát trong tương lai liệu chúng ta có phải dự liệu không?
Diễn biến giá cả các mặt hàng nguyên liệu tăng tương đối đáng ngại và phải lưu ý. Bởi lẽ, khả năng kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong những năm qua chủ yếu là nhờ giá cả thế giới duy trì ở mức thấp.
Trên thực tế, nguyên nhân lạm phát có nhiều yếu tố, một phần do giá cả nguyên vật liệu đầu vào, một phần là do tổng cầu hay còn do tỷ giá hối đoái, tăng trưởng cung tiền quá cao.
Hiện tỷ giá được giữ mực ổn định nhưng đầu tư công của Việt Nam tăng mạnh, tăng trưởng cung tiền khá cao so với các nước. Đến đây khi giá cả nguyên vật liệu đầu vào không còn thấp, không còn hỗ trợ thì Việt Nam sẽ khó có thể kiểm soát lạm phát.
CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ CẦN RẤT THẬN TRỌNG
Như ông nói ở trên, có những điểm liên quan đến yếu tố tiền tệ. Thời gian qua chúng ta nói đến chính sách tiền tệ nới lỏng và "bơm tiền". Ông có thể nói rõ hơn về điểm này liên quan đến lạm phát và dự báo tới đây?
Lãi suất thấp và tăng trưởng cung tiền cao là yếu tố khiến nguy cơ lạm phát của Việt Nam cao hơn các nước khác. Hiện nay giá cả nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới cao chung rồi nhưng với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam tăng trưởng cung tiền đang khá cao.
Tăng trưởng cung tiền của Việt Nam trong những năm qua luôn ở mức cao so với mức tăng trưởng thật của nền kinh tế. Tăng trường GDP chỉ khoảng 7% trước đại địch Covid-19 và trong đại dịch là 3% nhưng tăng trưởng cung tiền toàn ở mức 14% đến 15%.
So với các quốc gia đang phát triển trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan hoặc so với các quốc gia mới nổi thế giới như Brazil, Nga hay Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng cung tiền của Việt Nam đều ở mức cao.
Còn đối với các nước phát triển như Mỹ hay EU, Việt Nam không thể so sánh được bởi đồng tiền họ mạnh nên cần thì có thể "bơm tiền" thoải mái hơn những nền kinh tế đang phát triển.
Tăng trưởng cung tiền của Việt Nam trong những năm qua luôn ở mức cao so với mức tăng trưởng thật của nền kinh tế. Tăng trường GDP chỉ khoảng 7% trước đại địch Covid-19 và trong đại dịch là 3% nhưng tăng trưởng cung tiền toàn ở mức 14% đến 15%. Đó là con số rất cao về dài hạn sẽ gây ra lạm phát.
Vậy trong tình huống lạm phát tăng cao trở lại và lãi suất đảo chiều, theo ông cần những giải pháp gì để bình ổn?
Chống lạm phát không có cách gì khác ngoài việc tăng lãi suất cùng với làm chậm lại quá trình tăng trưởng cung tiền. Đây là công cụ duy nhất có thể chống lại được lạm phát. Nên là muốn hay không thì với lạm phát, môi trường kinh tế vĩ mô sẽ bất ổn nên chính sách tiền tệ cần rất thận trọng.
Tôi cho rằng trong tình hình hiện nay việt Nam phải hướng về giải pháp hạ lãi suất cho vay chứ không phải hạ lãi suất huy động.
Bởi vì việc hạ lãi suất huy động sẽ hướng dòng tiền sang các kênh đầu tư khác, mà chính xác hơn là đầu cơ tài sản chứ không đi vào sản xuất. Nếu cứ tiếp tục bơm tiền và hạ lãi suất thì dòng tiền còn tiếp tục chạy sang các kênh đầu cơ tài sản khác.
Việc này lâu dài sẽ gây tác động lên nền kinh tế, làm nguồn lực của nền kinh tế phân tán vào các kênh đầu cơ tài sản mà không đi vào sản xuất.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát.
Nhưng ở một khía cạnh tích cực, lạm phát tăng trở lại như hiện nay gắn với sức cầu trong nền kinh tế cải thiện và tốt lên sau tác động của Covid. Ông nhìn nhận thế nào về khía cạnh này, cũng như về triển vọng sức cầu của nền kinh tế thời gian tới?
Sức cầu của nền kinh tế mặc dù có tăng nhưng mới là chỉ của bắt đầu giai đoạn hồi phục. Hồi phục ban đầu chứ chưa thể khẳng định là hồi phục mạnh.
Đây là giai đoạn rất là khởi đầu thôi khi mà thế giới và Việt Nam bắt đầu có vaccine ở quy mô hẹp. Còn muốn hồi phục nền kinh tế thì điều kiện tiên quyết là chúng ta phải khống chế được hoàn toàn bệnh dịch.
Cần phải theo dõi chặt chẽ những diễn biển của nền kinh tế để đưa ra quyết định chính xác trong điều hành chính sách tiền tệ.
Bizlive