Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy có các biến chứng tim mạch do COVID-19 gây ra. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Bệnh viện Đại học Brussels (Bỉ), trong đó, tập trung tìm hiểu những bất thường ở tim trên các bệnh nhân bị khó thở do COVID-19 kéo dài, vào thời điểm 1 năm sau khi khỏi bệnh, tình trạng khó thở do COVID-19 kéo dài có thể liên quan đến tổn thương tim.
Có tổng cộng 66 người nhập viện vì COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 3-4/2020, đã tham gia nghiên cứu của Đại học Brussels. Độ tuổi trung bình của những người tham gia nghiên cứu là 50 tuổi, 67% là nam giới. Trong đó, 35% người bị khó thở khi cố gắng vận động thể chất, chẳng hạn như làm việc nặng hay tập luyện thể thao.
Trước đó, không ai có tiền sử bị bệnh tim hay phổi. Vào thời điểm 1 năm sau khi xuất viện, nhóm nghiên cứu đã chụp cắt lớp lồng ngực những người này. Đồng thời, họ cũng sử dụng kỹ thuật đo phế dung kế để đo chức năng thông khí phổi.
Những người tham gia nghiên cứu cũng được siêu âm tim để kiểm tra chức năng tim. Tất cả những dữ liệu thu thập được nhằm đánh giá tác động của những di chứng mà COVID-19 đã gây ra với sức khỏe người bệnh.
Các phân tích cho thấy, vào thời điểm 1 năm sau khi xuất viện, những người bị khó thở có hoạt động tim kém hơn người không bị khó thở. Nhóm nghiên cứu cho rằng có thể tim của họ đã bị tổn thương.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hơn 1/3 người mắc COVID-19 không có tiền sử bị bệnh tim hay phổi đã bị khó thở dai dẳng trong khoảng 1 năm sau khi xuất viện”, Tiến sĩ Maria-Luiza Luchian, một trong những tác giả nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Brussels (Bỉ), cho biết.
Nhóm tin rằng, tình trạng khó thở ở những người này là do suy giảm hoạt động ở tim. Điều này giúp giải thích vì sao một số bệnh nhân nhiễm COVID-19 vẫn bị khó thở dù đã khỏi bệnh được 1 năm. Nghiên cứu này được trình bày tại hội nghị khoa học mới đây của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC)./.