Người Việt vẫn bỏ ra rất nhiều tiền để nhập khẩu trái cây ngoại. Một số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT)cho thấy chỉ 2 tháng đầu năm Việt Nam đã chi 164 triệu USD (khoảng 3.720 tỷ đồng) để nhập khẩu trái cây, rau quả.
Riêng nhập khẩu từ Thái Lan là 82,6 triệu USD, chiếm 50% kim ngạch nhập khẩu trái cây và rau quả của Việt Nam. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc (19%), Myanmar (9%) và (Mỹ 8%)...
Người dân khi sử dụng trái cây ngoại đã có nhiều lựa chọn.
Điều đáng nói là trước đây trái cây Thái, trái cây Trung Quốc vốn chiếm lĩnh thị phần lớn do giá rẻ, vận chuyển dễ dàng thì nay người dân khi sử dụng trái cây ngoại đã có nhiều cơ hội dùng trái cây từ Âu, Mỹ và Úc.
Lý do là giá rẻ và họ tin rằng các loại trái cây có xuất xứ từ các quốc gia này có chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đáng tin cậy hơn.
Ghi nhận cho thấy tại các hệ thống siêu thị như Co.op Mart, Vinmart, Lotte Mart, BigC… thường xuyên bán các loại trái cây này và còn có các chương trình khuyến mại khủng.
Vào những ngày này rất đông khách đến tìm mua trái cây ngoại vì đang giảm giá từ 25 – 30%. Và khách chen chân mua táoo, cherry, nho … Giá cả thì rất dễ chịu. Ví như có thời điểm tại Big C bán táo Ambrosia Mỹ giá 68.000đ/ký, kiwi xanh Pháp giá 89.900đ/ký, táo Jazz Mỹ 92.900đ/ký, lê Hàn Quốc 49.900đ/ký, táo Queen Newzealand giá 49.900đ/ký, táo xanh Mỹ giá 74.200đ/ký, táo Pinklady Pháp giá 69.900đ/ký.
Ở một vài siêu thị khác, họ bán cam Cara Úc giá 130.000 đ/ký, cam Nevel Úc giá 57.500đ, kiwi ruột vàng giá 125.000 đ/ký, táo Rockit 112.000đ/ký, táo xanh giá 89.000đ/ký, táo Fuji giá 72.000đ/ký, táo Envy New giá 195.000đ/ký, kiwi ruột xanh giá 85.000đ/ký, táo Gala New giá 62.000đ/ký, táo Red Delicious giá 46.900đ/ký, nho đen không hạt Nam phi giá 140.000đ/ký,…
Người dân tự tin mua hàng ở đây vì cho rằng các siêu thị không lừa dối họ khi khai báo nguồn gốc của trái cây nhập khẩu. Và các siêu thị cũng lên tiếng khẳng định đây là trái cây họ nhập chính gốc chứ không phải là trái cây Trung Quốc.
Lý do vì trước đây họ phải thông qua đơn vị nhập khẩu, còn nay có những hệ thống siêu thị lớn nhập trực tiếp qua đường hàng không nên rẻ và nhanh. Trong khi đó, trái cây nhập từ Úc về rẻ đi rất nhiều do thuế giảm chỉ còn 0% bởi Việt Nam và Úc đã ký Hiệp định thương mại tự do.
Và sau một thời gian bị gián đoạn, từ 2017, trái cherry của Úc đã được đưa lại vào danh mục nhập khẩu vào Việt Nam. Ngoài ra, trái cây tại các quốc gia này cũng rất đa dạng chủng loại. Các siêu thị có thể chọn lựa các loại trái cây rẻ, hay vào mùa rẻ thì nhập về bán cho dân ta.
Việt Nam không hiếm những loại trái cây ngon, bổ.
So ra với các loại trái cây ngon của Việt Nam thì giá này khá rẻ. Ví như bơ sáp loại ngon bán ở chợ cũng có giá 60.000đ/ ký, mãng cầu giá từ 55.000 - 60.000đ/ký, cam 40.000đ/ký và xoài cát từ 60.000 - 80.000đ/ký…
Sự cạnh tranh của trái cây ngoại với trái cây Việt Nam sẽ dẫn tới các hệ quả. Một là trái cây Việt Nam phải nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu không thì dân sẽ đổ sang mua trái cây ngoại dùng. Hai là trái cây Việt Nam cần nâng cao độ ngon từ chọn lọc giống tốt hơn, ưu việt hơn. Và ba là trái cây Việt Nam cần quan tâm tới công nghệ trước và sau thu hoạch để bảo quản lâu hơn mà vẫn tươi ngon.
Và trái cây Việt Nam cũng cần phải thắng trong khâu tiếp thị, bởi hiện rất dễ dàng có thể thấy trái cây Việt Nam cũng đang bị “hắt hủi”. Ngay ở các hàng trái cây trong chợ, người bán bao giờ cũng bày trái cây ngoại ở vị trí cao nhất, đẹp nhất. Tương tự là ở siêu thị. Lý do vì trái cây ngoại mang lại cho họ lợi nhuận cao hơn, và người dân sính ngoại nhiều hơn.
Câu chuyện này, vì thế không chỉ là câu chuyện từ các nông dân đang trồng trái cây ở ta, mà còn là câu chuyện của nhà quản lý, của các nhà khoa học, của doanh nghiệp.
Nghĩa là chuỗi cung ứng trái cây Việt cần phải có những thay đổi cơ bản tận gốc rễ để kịp mạnh lên, thắng được các đợt tấn công từ trái cây ngoại giá rẻ. Nếu không thì sẽ xảy ra nghịch lý là trái cây trồng tận Mỹ, tận Úc mà chuyển qua VN xa xôi vậy bán giá vẫn rẻ hơn trái cây Việt Nam.
Bởi chuỗi cung ứng trái cây của các quốc gia phát triển rất hoàn thiện từ khâu đầu cho tới khâu cuối. Do đó cái mà họ ăn đứt ta bề ngoài là trái cam, trái táo, nhưng đằng sau chính là công nghệ và sự tiến bộ trong quản lý.
Theo Báo Phụ Nữ