Nghị quyết 98 cho phép TPHCM thí điểm mô hình TOD sẽ là chìa khóa giải quyết các vấn đề giao thông cấp bách trong nội đô và giải nén không gian đô thị ra ngoại vi.
Mới đây, tại kỳ họp HĐND thứ 15 (ngày 19/5), UBND TPHCM đã trình hội đồng “Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060”
Theo UBND TP, trong định hướng của Quy hoạch chung trước đây, một số vấn đề chưa được nhận diện trong phát triển đô thị. Trong đó, chưa chỉ rõ mô hình khai thác phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng sức chở lớn (gọi tắt là TOD)-là xu hướng đô thị mà thế giới đã và đang phát triển.
Do đó, trong đồ án lần này, thành phố đã định hướng và xác định các khu vực phát triển theo mô hình TOD.
Theo đó, các đô thị TOD sẽ ưu tiên gắn với các trung tâm phát triển mới, kết hợp chỉnh trang đô thị tại một số khu vực tiềm năng, phù hợp với kế hoạch và tiến độ xây dựng các tuyến metro.
Ngoài ra, đồ án cũng đề xuất mô hình TOD đối với vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 theo Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Cụ thể, trong phạm vi dự án Vành đai 3, tôn trọng hiện trạng phát triển, tổ chức sắp xếp tăng độ nén tại các khu vực nhà ga metro, khu vực lân cận các nút giao thông trọng điểm theo mô hình TOD; giảm mật độ ở phạm vi các khu vực còn lại nhằm cải tạo, chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất để bổ sung cây xanh, xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật từng bước đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, tiến tới mục tiêu cao hơn: “hình thành các trung tâm đô thị, các khu vực động lực phát triển đô thị chuyên ngành”.
Xu hướng của các siêu đô thị
Trước đó, tại một hội thảo về phát triển TOD TPHCM, GS.TS. Đặng Hùng Võ (chuyên gia Tư vấn, Ngân hàng Thế giới) cho biết, trong khoảng 15 năm gần đây, Việt Nam rất quan tâm tới phương thức quy hoạch và tổ chức không gian đô thị dưới dạng TOD. Theo ông, đây là xu hướng phù hợp với một siêu đô thị như TPHCM.
Còn ông Shige Sakaki (điều phối viên chương trình giao thông vận tải, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam) nhìn nhận, TOD là mô hình phát triển đô thị dựa vào việc sử dụng giao thông công cộng.
Ở đó, cộng đồng sinh sống và hoạt động trong khoảng cách đi bộ từ 5-10 phút là có thể tiếp cận được các điểm giao thông công cộng để đến trường học, bệnh viện, nơi làm việc hay các khu mua sắm thương mại…
Nêu ý kiến tại hội thảo, GS Vũ Anh Tuấn (trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức) cho biết, TOD có mục tiêu hỗ trợ, tái cấu trúc hóa đô thị, các hệ thống giao thông công cộng, để tạo ra môi trường đô thị sống tốt, hiệu quả và bền vững.
Mô hình này sẽ giảm thiểu các phương tiện cá nhân, giảm thiểu các vấn đề tác động môi trường như kẹt xe, ô nhiễm, ùn tắc giao thông…vốn là vấn nạn của các siêu đô thị.
Các chuyên gia cùng chung nhận định, phát triển TOD tạo ra các đô thị vệ tinh, giúp giải nén không gian đô thị và mật độ dân cư cho các khu vực trung tâm của thành phố, vốn đang quá tải.
Theo Vietnamnet