Để ngăn chặn việc chủ đầu tư đã bán nhà cho khách hàng nhưng vẫn mang dự án đi cầm cố, UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND quận, huyện kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản đã được UBND TP quyết định giao đất hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 10/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các dự án bất động sản cao cấp.
Riêng đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm thì kiên quyết báo cáo UBND TP thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đồng thời, tập trung kiểm tra, rà soát, công khai danh sách các dự án nhà ở chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng, các dự án chậm tiến độ do vướng mắc pháp lý về đất đai, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân.
Để có nguồn tài chính xây dựng dự án, hầu như chủ đầu tư nào cũng mang dự án đi thế chấp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn vô tư bán nhà đã thế chấp cho khách hàng mà không thực hiện giải chấp, dồn khách hàng vào cảnh nơm nớp lo sợ mất nhà.
UBND TP cũng giao Sở Xây dựng theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh bất động sản, các dự án bất động sản có vi phạm về xây dựng, các dự án không thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai, các dự án chưa nghiệm thu chất lượng công trình đã đưa vào sử dụng.
Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP Hồ Chí Minh kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản, chuyển tiền thu được từ bất động sản ra nước ngoài để ngăn chặn các hành vi rửa tiền, chuyển giá, trốn lậu thuế; thanh toán giao dịch bất động sản bằng tiền mặt.
Ngoài ra, giao Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP Hồ Chí Minh theo dõi, chỉ đạo các ngân hàng thương mại quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân, hạn chế tín dụng cho đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ bất động sản.
Ủng hộ việc công khai tên tuổi của các dự án đang thế chấp ngân hàng, tuy nhiên một chuyên gia bất động sản tại TP Hồ Chí Minh (xin giấu tên) cho rằng việc sử dụng nguồn vốn vay từ ngân hàng làm nguồn tài chính chủ yếu nhất là việc cần thiết và vô cùng quan trọng khi triển khai nhiều dự án.
“Dự án mang thế chấp tiềm ẩn yếu tố có hại cho cư dân hay không cần phải xét ở mục đích của nó. Cụ thể, những dự án mang thế chấp để đầu tư xây dựng dự án không thể xét là xấu. Chỉ những dự án mang thế chấp để lấy nguồn vốn phục vụ mục đích khác mới là xấu”, vị này nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, về bản chất, nợ và thế chấp ngân hàng không phải là xấu mà chỉ là một công cụ vốn tài chính cho nhà đầu tư phát triển dự án. Quan trọng là doanh nghiệp phải đảm bảo được sức khỏe tài chính và dòng tiền ổn định để chi trả phần lãi trên vốn vay. Vì vậy, việc công khai này có lợi cho cả chủ đầu tư, khách hàng và cả thị trường bất dộng sản. Cụ thể, chủ đầu tư có thêm nguồn vốn thực hiện dự án để đảm bảo tiến độ giao nhà. Khách hàng được ngân hàng hỗ trợ vay vốn và bảo lãnh bởi vì hầu hết các dự án khi chủ đầu tư thế chấp tại một ngân hàng thì ngân hàng đó cũng là đối tác, sẽ hỗ trợ tín dụng và bảo lãnh cho dự án. Còn thị trường sẽ công khai minh bạch hơn.