Sáng 1/2, UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư thực hiện các dự án cải tạo di dời nhà ven và trên kênh, rạch chỉnh trang đô thị TPHCM.
Để xoá 21.850 căn nhà ven và trên kênh rạch, TP.HCM có 52 dự án (13.873 căn nhà) sử dụng từ nguồn vốn ngân sách (khoảng 21.500 tỷ đồng)
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Sử Ngọc Anh cho biết nhu cầu đầu tư chung cho 5 năm (2016 -2020) của TPHCM là 1,8 triệu tỷ đồng, trong đó nhu cầu dành cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng là 0,81 triệu tỷ đồng.
Đối với việc chỉnh trang và phát triển đô thị, nhu cầu đầu tư từ là khoảng 25.748 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách của TPHCM chỉ cân đối được 2.508 tỷ đồng, cần phải huy động xã hội hoá khoảng 23.240 tỷ đồng.
“Đối với nguồn vốn huy động ngoài ngân sách, theo hình thức hiện hành có 3 hình thức đầu tư xã hội hoá: đấu giá quyền sử dụng đất đối với khu đất đã hoàn tất thủ tục giải phóng mặt bằng hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với khu đất chưa thực hiện giải phóng mặt bằng hay đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)”, ông Sử Ngọc Anh cho hay
Theo giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn, 20 năm qua, TPHCM đã di dời được 36.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, đến nay thành phố còn khoảng 21.850 căn, trong đó quận 8 nhiều nhất với hơn 11.400 căn; quận Bình Thạnh hơn 2.500 căn (chủ yếu rạch xuyên Tâm); quận 7: 2.055 căn; quận 4: 1.822 căn…
Để xoá 21.850 căn nhà ven và trên kênh rạch, TPHCM có 52 dự án (13.873 căn nhà) sử dụng từ nguồn vốn ngân sách (khoảng 21.500 tỷ đồng); 3 dự án (quy mô 1800 căn) nhà ở thương mại kết hợp mở rộng biên với khoảng 2700 tỷ đồng và 6 dự án PPP (6.223 căn) với tổng vốn đầu tư gần 2000 tỷ đồng.
“Hiện nay có 7 dự án đang thực hiện dở dang, dự kiến hoàn thành trong năm 2018 với vốn đầu tư 978 tỷ đồng. 18 dự án (18.910 căn) đã được ghi vốn vào cuối năm 2017 và đợt 1 năm 2018. Theo quy định, đến giữa và cuối năm 2018 các dự án này sẽ thực hiện với nhu cầu vốn hơn 12.800 tỷ đồng. 27 dự án còn lại chưa có chủ trương đầu tư. Nếu trong năm nay các quận thực hiện thủ tục thì phải đến năm 2020 mới triển khai việc bồi thường”, ông Tuấn thông tin.
Bí thư thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài tại hội nghị
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế lớn của cả nước nhưng TPHCM vẫn là đô thị chưa hoàn chỉnh, phải đối phó với nạn kẹt xe, ngập nước, vệ sinh môi trường, biến đổi khí hậu…
“Đặc biệt, TPHCM có hơn 20.000 hộ dân sống ven và trên kênh rạch là nỗi đau day dứt, nỗi bức xúc, trăn trở của lãnh đạo TPHCM nhiều thời kỳ. Chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 – 2020” được thực hiện nhất quán và xuyên suốt trong thời gian qua nhằm phấn đấu đến năm 2020 di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân sống trên và ven kênh rạch”, ông Tuyến cho hay.
Theo ông Tuyến, để hoàn thành những chỉ tiêu, mục tiêu nói trên đòi hỏi TPHCM phải đưa ra được những giải pháp kịp thời, hợp lý, đáp ứng nguyện vọng của người dân và nhu cầu phát triển của thành phố.
Lãnh đạo UBND TPHCM cho hay chủ trương xã hội hoá để tiết giảm gánh nặng cho ngân sách là hoàn toàn đúng đắn, nhất là trong bối cảnh tình hình khó khăn của ngân sách như hiện nay.
UBND thành phố đã chỉ đạo các sở ban ngành đơn vị tham mưu tập trung nghiên cứu cơ chế chính sách ưu đã đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị theo phương thức PPP.
“TPHCM sẽ hợp tác và hỗ trợ các nhà đầu tư một cách công khai, minh bạch và cầu thị nhất”, ông Tuyến cam kết.