Nhiều nguyên nhân khiến sổ hồng bị “treo”
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, những trường hợp chưa được cấp sổ hồng có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, có loại hình bất động sản chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật như: officetel, shophouse…Số này có 29 dự án với hơn 8.900 căn. Thứ hai, có 49 dự án với gần 8.400 căn đang chờ người mua nhà bổ sung chứng từ hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Thứ ba, có 39 dự án với gần 20.000 căn chưa được cấp sổ hồng với những lý do như: chủ đầu tư phải hoàn chỉnh lại các thủ tục khi điều chỉnh thiết kế, mật độ xây dựng, tăng số lượng căn hộ; rà soát lại nghĩa vụ tài chính; thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội; chưa nộp đủ tiền sử dụng đất… Có 18 dự án với hơn 8.200 căn chưa được cấp sổ do đang thanh tra, điều tra.
Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Có tới hơn 30.000 căn trong số các dự án không có vướng mắc gì nhưng không hoặc chưa được nộp hồ sơ. Một trong những nguyên nhân là do chủ đầu tư đem thế chấp dự án. Ông Thắng đề xuất giải pháp mời sở ngành liên quan, ngân hàng và chủ đầu tư họp lại tìm hướng xử lý.
“Nghị định 91/2019 đã sửa và nâng mức phạt lên rất lớn, chúng tôi đã xử phạt rất nhiều trường hợp chậm nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận. Nếu không nộp thì có các chế tài khác đối với chủ đầu tư” - ông Nguyễn Toàn Thắng nói.
Các đơn vị liên quan phải chủ động phối hợp
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM: Nhóm vướng mắc liên quan đến nghĩa vụ tài chính bổ sung là nhóm vướng mắc chính. Theo đó, chủ đầu tư dự án phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính về quyền sử dụng đất mới được giải quyết cấp giấy chứng nhận. Ông Khiết nhận định vướng mắc này rất “vô lý”.
Lấy ví dụ, một dự án nhỏ chỉ vài nghìn m2 để tính tiền sử dụng đất bổ sung sẽ nhanh. Tuy nhiên, nếu dự án vài ha hoặc vài chục ha thì không có cách nào hoàn tất nghĩa vụ tài chính cho toàn bộ dự án lớn như vậy cùng một lúc. Trong quá trình thực hiện dự án, hễ có điều chỉnh hoặc bổ sung, hoặc thay đổi diện tích đất dù chỉ vài m2 cũng phải tính lại nghĩa vụ tài chính bổ sung.
“Trước đây TP.HCM có giải pháp rất hay là thực hiện nghĩa vụ tài chính xong phần nào thì cấp giấy phần đó. Nhưng hiện nay với Nghị định 148/2020 thì rất khó để thực hiện” - ông Huỳnh Thanh Khiết nói.
Về nội dung xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung, ông Nguyễn Ngọc Thảo – Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Qua rà soát, các dự án có vướng mắc đều triển khai kéo dài. Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư có đề nghị thay đổi kể cả chỉ tiêu quy hoạch, lẫn các chỉ tiêu về xây dựng. Khi các chỉ tiêu này thay đổi thì có phát sinh nghĩa vụ tài chính. Khi có Nghị định 148/2020 thì gần như các chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ bổ sung.
“Các nội dung vướng mắc về xác định giá đất, trong đó có xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung để phục vụ cho việc cấp giấy thì UBND TP đã chỉ đạo thông qua Hội đồng thẩm định giá đất để giao cụ thể trách nhiệm các sở ngành có liên quan” - ông Thảo nói.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhận định, công tác cấp sổ hồng chưa đáp ứng được yêu cầu. Bà Lệ đề nghị các đơn vị có liên quan cần tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên các dự án. Không để chủ đầu tư xây dựng trái quy định, hoàn thành rồi mới tiến hành xử phạt gây lãng phí. Đồng thời, cần khắc phục việc phối hợp chưa chặt chẽ giữa các sở, ngành trong việc cấp sổ hồng. Trong đó, các đơn vị có liên quan cần sớm có lộ trình giải quyết nghĩa vụ tài chính.
“Đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai phải rà soát, thống kê lại xem mình đã nhận hồ sơ chưa. Nếu đã nhận rồi thì phải có kế hoạch, lộ trình để giải quyết sớm. Trong quá trình làm thủ tục, nếu có vướng mắc, khó khăn thì cũng phải có hướng dẫn cho chủ đầu tư hoàn tất thủ tục” - bà Nguyễn Thị Lệ yêu cầu.
Việc chậm trễ cấp sổ hồng không những ảnh hưởng đến đời sống của người dân, mà còn làm cho TP thất thu một khoản ngân sách. Với một hệ thống thủ tục lĩnh vực đất đai phức tạp, việc đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng là không dễ. Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền của TP.HCM cần chủ động hơn trong việc phối hợp, có giải pháp như thống nhất ban hành các quy trình nội bộ liên thông với nhau để nâng cao hiệu quả giải quyết hồ sơ./.