Tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh có 186 sạp đăng ký hoạt động trở lại, nhưng sáng 1/10 chỉ có 23 tiểu thương buôn bán. Tiểu thương cho biết vẫn đang đang chờ hướng dẫn cụ thể của Sở Công thương. Đến giờ này, Ban quan lý chợ chưa có văn bản chính thức của Thành phố cho người dân đi chợ hay không.
Phần quét mã QR khai báo y tế thì đến thời điểm này Thành phố chưa thống nhất là dùng mã nào cho người dân khi vào chợ và quản lý mã đó như thế nào nên cả Ban quản lý và tiểu thương đều lúng túng. Sáng 1/10 Ban quản lý chợ Bà Chiểu linh động cho người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có giấy xét nghiệm âm tính vào chợ sau khi đã khai báo y tế.
Ông Huỳnh Thanh Trường, Trưởng Ban quản lý chợ Bà Chiểu cho biết, trước mắt chợ thực vẫn thực hiện theo những tiêu chí như cũ đối với tiểu thương: “Theo tiêu chí tiểu thương phải chích đủ hai mũi vaccicine, mũi thứ hai đủ 14 ngày. Thực hiện trước khi kinh doanh phải là xét nghiệm âm tính. Sau đó tiểu thương sẽ ba ngày test một lần”
Chị Nguyễn Thị Ngọc Dung đến chợ Bà Chiểu mua thực phẩm cho biết chợ kiểm soát chặt việc giãn cách khi mua sắm để đảm bảo phòng chống dịch bệnh: “Mình phải rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, không tiếp xúc gần. Gia đình mình có 3 người mắc COVID-19. Cho nên đi đâu mình cũng phải bịt khẩu trang, đeo mắt kính".
Còn tại siêu thị Coopmart Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, sáng nay (1/10) nhiều người dân đã đến đây trực tiếp mua sắm. Siêu thị cũng thực hiện chặt chẽ 5K, đo thân nhiệt, khai báo y tế cho khách hàng. Người dân được tiêm 2 mũi vaccine với thẻ xanh hoặc giấy tiêm ngừa được vào mua sắm.
Chị Ngọc Mai, một khách hàng cho biết, siêu thị cũng vắng người, đứng xa nhau. Bản thân chị từng là F0 đã khỏi bệnh nên có giấy xác nhận khỏi bệnh thì vào mua, đo thân nhiệt, trình giấy. Siêu thị kiểm soát chặt nên cũng an toàn, yên tâm.
Hiện nay, tại TP.HCM mới chỉ có hơn 30 chợ truyền thống trong tổng số 234 chợ truyền thống của thành phố mở cửa. Tiểu thương các chợ khác vẫn đang chuẩn bị lại quầy sạp theo yêu cầu là khoảng cách 2m, diện tích bán là 4m2, có vách ngăn và một số yêu cầu khác. Phần lớn chợ truyền thống ở TP.HCM đều có từ lâu nên diện tích hẹp, một số chợ đang tính đến việc bố trí không gian ngoài nhà lồng chợ hoặc cho tiểu thương luân phiên 1 ngày bán 1 ngày nghỉ. Nhiều chợ truyền thống không có cổng riêng và tiếp giáp với nhiều lối đi của các khu dân cư, khó kiểm soát người ra vào cũng phải tính toán phương án nào an toàn nhất.
Bà Nguyễn Ngọc Dung, Trưởng Ban quản lý chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh cho biết, người có biểu hiện ho, sốt, khó thở nguy cơ dịch bệnh yêu cầu phải có khu vực cách ly tạm thời trong lúc chờ cơ quan y tế để xử lý, việc này rất khó vì chợ truyền thống lâu năm, cơ sở vật chất hạn chế, không có nơi bố trí”.
Nhìn chung, người dân mong các chợ truyền thống sớm mở cửa trở lại nhưng các chợ phải tính toán đáp ứng các yêu cầu phòng chống dịch, để tránh tình trạng vừa mở ra lại phải tạm dừng hoạt động./.