Tại TP.HCM, trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu có lúc rất căng thẳng. Với chỉ đạo, điều hành linh họat của Thành phố, việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho hơn 9,4 triệu dân trên địa bàn cơ bản được đảm bảo. Thành phố đã thường xuyên trao đổi với các tỉnh, thành triển khai phương án chuẩn bị tốt nguồn cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm cho người dân lúc dịch bệnh. TP.HCM cũng đã tổ chức nhiều hình thức cung ứng hàng hóa, nhất là trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội như: đi chợ thay, mua chung... Các hệ thống phân phối hiện đại, chợ truyền thống đã cung ứng hơn 1.980 tấn gạo, lương thực chế biến khô, gần 1.400 tấn thịt gia súc, thịt gia cầm và 4.246 tấn rau củ quả...
Phát biểu tại hội nghị, một số doanh nghiệp cho rằng, vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm hiện nay không chỉ là gạo mà còn bao gồm thịt cá, rau xanh... Nhu cầu này rất lớn trong lúc dịch bệnh, nhưng hiện nay hệ thống kho lạnh của Thành phố rất hạn chế. 4 kho lạnh của TP.HCM chỉ trữ được 60.000 tấn, chỉ đủ cung cấp thực phẩm cho người dân khoảng 1 tuần. Nếu chuỗi cung ứng thực phẩm tươi sống chậm thì sẽ hụt nguồn hàng ngay. Hệ thống kho lạnh này được vận hành thủ công nên cũng cần đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào để nâng cao hiệu quả.
Qua dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp cũng thấy được khoảng trống này trong hệ thống chuỗi cung ứng thực phẩm bảo quản lạnh của mình. Doanh nghiệp đề nghị Thành phố tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ kho lạnh.
Ông Lương Quang Thi, Tổng giám đốc Công ty điều hành giải pháp ABA, chuyên cung cấp dịch vụ về kho lạnh kiến nghị: “Doanh nghiệp chúng tôi cần thành phố giới thiệu, quy hoạch đất cho xây dưng kho lạnh được. TP.HCM nên khu dự trữ, quy hoạch đất cho việc phát triển kho lạnh, bảo quản thực phẩm tươi sống. Thành phố nên sớm có chính sách về vấn đề này, doanh nghiệp chúng tôi có thể tổ chức đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành, việc này chúng tôi quán xuyến được”./.