Ngày 17-9, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đã có buổi họp lắng nghe ý kiến của các chuyên gia kinh tế và y tế xung quanh chiến lược phòng chống dịch và mở cửa trở lại. Các chuyên gia đồng thuận quan điểm cần thay đổi chiến lược ứng phó với dịch Covid-19 trong điều kiện tình hình mới, mở cửa trở lại để tránh nền kinh tế và doanh nghiệp (DN), người dân bị "tổn thương" quá lâu.
Cấp bách cứu doanh nghiệp
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, nêu quan điểm ở góc độ kinh tế, thành phố lúc này "không thể không mở" nếu nhìn vào bài toán kinh tế, bài toán về lợi ích và chi phí, phân bổ nguồn lực. Nếu áp dụng một chính sách xét nghiệm trên diện rộng cho toàn bộ người dân thành phố, chi phí sẽ cực kỳ lớn trong khi lợi ích rất thấp.
Lãnh đạo TP HCM trong buổi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia xung quanh chiến lược phòng chống dịch và mở cửa kinh tế trở lại
Phân tích kỹ hơn, chuyên gia này cho rằng tăng trưởng GRDP của thành phố trong năm nay ước tính âm 2,8%, trong khi tăng trưởng những năm qua khoảng 7%-8%. Nếu tiếp tục chống dịch như hiện nay, khả năng kinh tế thành phố sẽ mất khoảng 8%-10%, tương đương 6 tỉ USD chỉ trong năm nay, khoảng 2% GDP cả nước. Trong khi đó, DN đã kiệt quệ mà nếu không cứu kịp thời thì họ sẽ "chết".
"Không mở cửa kinh tế trở lại, thành phố sẽ có thể mất một lượng lớn DN mà bao năm qua mới xây dựng được. Chưa kể người dân cũng đang kiệt quệ sau nhiều tháng chống dịch. Nếu kéo dài cách chống dịch như hiện nay thêm 1-1,5 tháng nữa sẽ là hệ lụy rất lớn cho cả ngân sách thành phố và trung ương, chưa kể nhiều vấn đề xã hội không thể tính bằng chi phí" - TS Vũ Thành Tự Anh cảnh báo.
Theo chuyên gia này, thành phố có thể đo lường diễn biến dịch bệnh, có các phương án, kịch bản ứng phó, không phải mở ra một cách ồ ạt, thiếu thận trọng mà cần lường trước các tình huống để ứng phó kịp thời. Chính sách sẽ hiệu quả hơn khi có các tầng lớp bảo vệ như vắc-xin và quan trọng là cần kiến nghị thay đổi quy định của Bộ Y tế về các tiêu chí để mở cửa, bởi nếu theo tiêu chí này, khi thành phố mở cửa có thể phải đóng lại sau một thời gian thì DN sẽ càng khó khăn hơn.
TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng nếu thành phố tiếp tục trận chiến với dịch Covid-19 bằng con đường cũ là truy vết F0 như thời gian qua khi nguồn lực không còn nhiều như trước là không phù hợp. Nếu Bộ Y tế tiếp tục đưa tiêu chí để mở cửa trở lại như số ca mắc mới tại cộng đồng giảm; tỉ lệ mẫu dương tính bằng RT-PCR trong ngày giảm; không xuất hiện chuỗi, chùm bệnh, thì sẽ như "vòng kim cô" mà thành phố khó đáp ứng để mở cửa trở lại.
"Chúng ta chống dịch như chống giặc, khi kẻ thù đã thay đổi phương pháp tấn công mà chúng ta cứ làm kiểu cũ thì không hiệu quả, trong khi nguồn lực kinh tế là hữu hạn. Cùng với việc mở cửa lại kinh tế, thành phố cần tập trung cho các cơ sở y tế để làm sao phát hiện, giúp người dân tự điều trị, giảm áp lực cho các bệnh viện. Với cộng đồng DN, hộ kinh doanh, điều quan trọng nhất là lộ trình dứt khoát mở cửa với tiêu chí an toàn phù hợp để khôi phục được sản xuất, kinh doanh, chứ cứ kéo dài sẽ khó cả về nguồn lao động, chuỗi cung ứng…" - TS Trần Du Lịch nêu ý kiến.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, cũng nhận định thành phố nên mở cửa trên cơ sở an toàn và chuẩn bị những điều kiện an toàn. Thành phố có 2 tuần để thí điểm những điều này, lên kịch bản, phương án phù hợp cho các điều kiện để mở cửa trong bối cảnh tỉ lệ tiêm mũi 1 của người dân thành phố đạt 92% và người tiêm đủ 2 mũi đạt khoảng 25%.
Đầu tư chiến lược trụ cột về y tế
Nhiều chuyên gia y tế cũng đề xuất cần thay đổi chiến lược xét nghiệm, phòng chống dịch trong điều kiện, tình hình mới. Các chuyên gia đều cho rằng không thể xét nghiệm đại trà trong điều kiện nguồn lực ngân sách của thành phố không còn nhiều, mà cần tập trung đầu tư vào hệ thống cơ sở y tế với mục tiêu giảm số ca tử vong; tăng kênh điều trị tại nhà qua cơ sở y tế địa phương cùng chiến lược phủ vắc-xin và thuốc điều trị…
Bác sĩ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng thành phố, cho rằng với tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện nay, ngưỡng chịu đựng của nền kinh tế thành phố đã "chạm đáy", không thể kéo dài giãn cách. Dù thành phố chưa thể kiểm soát dịch theo tiêu chí của Bộ Y tế, trong điều kiện hiện tại có thể tính đến dần mở cửa, khi đã có "vũ khí" là vắc-xin và thuốc điều trị. Xét nghiệm không phải là vũ khí chống dịch mà là công cụ, cần xem xét nghiệm là để tìm được F0 để chăm sóc, chữa trị, tránh nguy cơ bệnh nặng…
Ghi nhận toàn bộ ý kiến của các chuyên gia, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ và ông đánh giá các ý kiến rất "giá trị và đặc biệt quan trọng ở thời điểm này". Quan điểm của lãnh đạo thành phố là không thể loại bỏ hoàn toàn Covid-19 ra khỏi cộng đồng. Đến giờ, những điều kiện chống dịch cũng tốt hơn như đã có thuốc, vắc-xin…
"Sức chịu đựng và tổn thương của nền kinh tế đến lúc này đòi hỏi phải mở cửa trở lại. Cần sự thống nhất về giãn cách bảo đảm độ an toàn trong thời gian tới, từng bước mở dần, quản lý rủi ro, tuyệt đối không chủ quan nhưng không thể không mở. Do đó, chính quyền thành phố đang chuẩn bị chiến lược để chuyển sang giai đoạn mới là sống bình thường mới, sống trong môi trường có Covid-19" - Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định.
Để làm được điều này, Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng cả chính quyền và người dân cần chuẩn bị tâm thế, thói quen, chuẩn bị tinh thần và những điều kiện khi cần thiết để ứng phó phù hợp. Thành phố đã chuẩn bị nhiều chiến lược ứng phó, trong đó trụ cột nhất là chiến lược y tế. Chiến lược y tế trong tình hình mới là phải đầu tư vào hệ thống cơ sở y tế từ cấp nhỏ nhất.
"Phải làm và nhận lấy trách nhiệm, củng cố ngay hệ thống y tế cộng đồng, y tế tư nhân, bác sĩ gia đình, hệ thống nhà thuốc tây… Như trước đây, hệ thống bệnh viện tư chưa thể tham gia phòng chống dịch, nay cũng cần chính sách, cơ chế để họ có thể đóng góp, huy động y tế tư nhân vào cuộc. Trong chiến lược về mặt y tế, phải có quy định rõ ràng, ứng phó phù hợp trong môi trường mở" - Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu.