Ngành logistics đang đóng góp 8,9% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM nhưng được đánh giá là chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường, chưa tương xứng với tiềm năng. TP.HCM làm gì để thúc đẩy ngành logistics chuyển mình trong thời gian tới?
Giải quyết quá tải hạ tầng làm tăng chi phí logistics
Công ty Project Shipping chuyên vận tải đường biển quốc tế. Mỗi tháng, doanh nghiệp này vận chuyển từ 200-300 container loại 40 feet đi các nước. Trong lúc dịch bệnh, doanh nghiệp này nhận được nhiều đơn hàng nhưng giờ bình thường mới thì lại gặp khó khăn do hạ tầng giao thông chưa tốt, gây kẹt xe, kẹt hàng ở khu vực cảng, góp phần làm giá vận tải tăng cao. Doanh nghiệp này đã tối ưu hóa quy trình làm việc bằng cách sử dụng công nghệ số tất cả hoạt động để giảm chi phí nhưng vẫn khó.
Ông Tony Tuấn, Giám đốc Công ty Project Shipping chia sẻ: “Chúng tôi có khi bị kẹt container hàng ở cảng và cầu cảng rất nhiều. Có lúc khách hàng chuyển container đến cảng, có khi cảng yêu cầu doanh nghiệp phải chuyển hàng, giải phóng hàng trong 3 ngày. Khi doanh nghiệp chuyển hàng xuống cảng Cái Mép thì lúc đó tại Cát Lái bị kẹt rất nặng, khó đảm bảo thời gian và khi bị kẹt thì khó khăn cho doanh nghiệp, chi phí sẽ tăng”.
Đó là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp logistics hiện nay. Theo Hiệp hội Logistics TP.HCM, tiềm năng của thị trường ngành này rất lớn, mỗi năm mức tăng trưởng từ 14-16%. Tuy nhiên, khó khăn nhất của của doanh nghiệp logistics hiện nay là cơ sở hạ tầng của thành phố như: đường bộ, đường sắt, đường thủy chậm phát triển, chưa đồng bộ, có lúc quá tải. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho chi phí logistics của Việt Nam cao. Chi phí logistics của Việt Nam chiếm đến 19% GDP, trong khi các nước phát triển thì chi phí này khoảng 10%.
Bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM đề xuất, TP.HCM cần xem xét đưa ngành logistics trở thành một trong những nhóm ngành ưu tiên cho gói kích cầu. Gói này sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp lãi suất vay để nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ, đồng thời kêu gọi thu hút đầu tư về cơ sở hạ tầng logistics. Gói này cũng không chỉ hỗ trợ cho ngành logistics mà giúp các doanh nghiệp ngành khác giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
TP.HCM cần đẩy mạnh liên kết với các tỉnh thành Đông Nam bộ để phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, kết nối hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy.
“Nên chăng chúng ta kết nối vùng, tận dụng vận tải giao thông đường thủy. Kết nối giao thông vùng bằng giao thông đường thủy, bộ thì mang lại lợi ích cho vùng, giảm tải ùn tắc giao thông, giảm chi phí logistics, nhất là chi phí vận tải” - bà Đặng Thị Minh Phương nói.
Cả chính quyền và doanh nghiệp logistics cần đầu tư cho công nghệ
80% doanh nghiệp logistics của TP.HCM là nhỏ và siêu nhỏ, có vốn điều lệ chỉ khoảng 10 tỷ đồng/doanh nghiệp, đầu tư công nghệ còn hạn chế, quy trình chưa chuẩn hóa. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp logistics nhưng chỉ làm những việc đơn giản như: gia cố, đóng gói, vận chuyển hàng hóa... nên khó cạnh tranh. Hệ thống kho lạnh của TP.HCM cũng đang rất thiếu với khoảng 1.500 kho có diện tích nhỏ. TP thiếu hẳn hệ thống kho lưu trữ, kho lạnh quy mô lớn và trung tâm logistics tương xứng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và thương mại điện tử.
Theo ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, để phát triển logistics, TP.HCM nên hình thành cụm tam giác logistics, cảng biển, cảng hàng không. TP.HCM cần xây dựng hệ thống bến tàu, cầu cảng vệ tinh xếp dỡ dọc tuyến hàng hải để tận dụng tối đa lợi thế địa hình sông nước. Doanh nghiệp thúc đẩy hơn nữa chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0, tự động hoá nhằm giảm lãng phí trong đóng gói, vận chuyển, theo dõi và truy xuất hàng hoá.
“Chúng ta làm sao áp dụng công nghệ 4.0 vào để số hoá dịch vụ logistics. Chúng ta không thể để container chạy lòng vòng được, chúng ta phải có đầu đi và đầu về, giống như dịch vụ Grap, làm sao vừa tiết kiệm chi phí và nhiên liệu và tăng trưởng hoạt động này nhiều hơn” - ông Đinh Ngọc Thắng đề nghị.
TP.HCM đã phê duyệt Đề án phát triển ngành logistics với mục tiêu đến năm 2025 đóng góp 10% GRDP và đến năm 2030 tỷ lệ này đạt 12%. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, sắp tới, TP.HCM sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics vận tải, kho hàng, các dịch vụ hỗ trợ… tại các cảng Long Bình, Cát Lái, Long Phước... Các trung tâm này có chức năng khác nhau, nhưng sẽ bổ trợ cho nhau trong các dịch vụ logistics. TP.HCM cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho logistics.
“Thành phố sẽ đẩy mạnh cơ chế ứng dựng công nghệ thông tin trong hoạt động và quản lý logistics. Thành phố sẽ huy động các trường đại học, trung tâm đào tạo có gắn kết với các doanh nghiệp để đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động logistics từ người quản lý đến nhân viên trực tiếp làm việc, để TP.HCM có đủ năng lực tự tổ chức và cung cấp dịch vụ logistic có chất lượng” - ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay.
Hiện nay, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển ngành logistics, nhất là từ các hiệp định thương mại tư do. Doanh nghiệp tại TP.HCM muốn nắm bắt tốt cơ hội này thì phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ để tạo bước chuyển mới. Đồng thời, TP cần tăng tốc hơn nữa trong phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp ngành này./.