Theo ghi nhận của phóng viên, tại Hội trường Thống Nhất (TP HCM), nơi diễn ra lễ viếng, lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác an ninh đã được tăng cường, các đơn vị đã làm việc tích cực, khẩn trương để chuẩn bị cho lễ viếng, lễ truy điệu.
Trước cổng Hội trường Thống Nhất treo bảng ghi "Lễ tang đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam"
Trước Hội trường Thống Nhất treo bảng ghi "Lễ tang đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam"
Phòng tổ chức lễ viếng đã được chuẩn bị, phía trên là cờ tổ quốc, dưới là dòng chữ "Vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam"
Trước và hai bên hội trường được đặt màn hình lớn để người dân theo dõi lễ viếng
Hai bên hội trường đặt bảng tóm tắt tiểu sử Đại tướng Lê Đức Anh, danh sách ban lễ tang, thông cáo đặc biệt
Hệ thống rạp, có trang bị quạt đã được dựng lên
Công tác chuẩn bị tại Nghĩa trang TP HCM, nơi an táng cũng đã được hoàn tất.
Theo thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tang lễ Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức với nghi thức Quốc tang. Ban lễ tang gồm 39 người do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban.
Linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh được quàn tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng bắt đầu từ 7 giờ đến 11 giờ, ngày 3-5, tại Nhà Tang lễ Quốc gia. Lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh từ 11 giờ cùng ngày 3-5, tại Nhà Tang lễ Quốc gia. Lễ an táng từ 17 giờ cùng ngày 3-5 tại Nghĩa trang TP HCM. Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng Đại tướng Lê Đức Anh tại Hà Nội, TP HCM. Trong 2 ngày Quốc tang (ngày 3-5 và ngày 4-5-2019), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí. Các đoàn viếng chỉ mang băng tang, không mang vòng hoa đến viếng.
UBND TP HCM cũng ra thông báo về Quốc tang Đại tướng Lê Đức Anh. Theo thông báo này, Lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh sẽ bắt đầu từ 7 giờ đến 11 giờ ngày 3-5. Lễ truy điệu từ 11 giờ cùng ngày. Địa điểm là Hội trường Thống Nhất (135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, quận 1). Lễ an táng diễn ra lúc 17 giờ ngày 3-5 tại Nghĩa trang TP HCM (quận Thủ Đức).
Trong thời gian Quốc tang, các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, các đơn vị lực lượng vũ trang treo cờ Tổ quốc theo nghi thức cờ rủ, có dải băng tang màu đen. Người dân và các các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, các đơn vị lực lượng vũ trang đến viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh phải có phân công trưởng đoàn, trang phục trang nghiêm, nghiêm túc theo nghi thức Quốc tang; không mang theo vòng hoa, chỉ mang theo băng viếng tang (màu đen, chữ trắng) ghi tên đơn vị để gắn vào vòng hoa luân chuyển do ban tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu chuẩn bị.
Theo thông báo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, thời gian tổ chức lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh từ 7 giờ đến 11 giờ ngày 3-5; lễ truy điệu 11 giờ cùng ngày tại hội trường trụ sở HĐND và UBND tỉnh - số 16 Lê Lợi, TP Huế. Lễ viếng và lễ truy điệu đại tướng cũng sẽ được tổ chức tại nhà thờ họ tộc ở xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đại tướng Lê Đức Anh, sinh năm 1920 tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế; thường trú tại số 5A Hoàng Diệu, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1937, vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 5-1938; nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa V, VI, VII, VIII; Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Chủ tịch nước từ tháng 9-1992 đến tháng 12-1997; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1997 đến tháng 4-2001; đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX... Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.