Theo đó, phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, gắn liền với việc chỉnh trang và phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư, đặc biệt là cho các đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội theo quy định. Việc chuyển đổi mô hình nhà ở từ thấp tầng sang cao tầng là chủ yếu, nhằm sử dụng đất hiệu quả và tạo quỹ đất phát triển giao thông, công viên, chỗ đậu xe... nhưng phải bảo đảm đồng bộ và thống nhất với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
UBND TP.HCM đã đề ra mục tiêu đến năm 2020, đạt diện tích bình quân đầu người của toàn thành phố là 19,8m2/người (năm 2017 đạt 18,87m2/người). Dự kiến vốn để phát triển nhà ở đến năm 2020 là 316.769 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nhà ở thương mại là 82.274 tỷ đồng, vốn xây dựng nhà ở riêng lẻ của các hộ gia đình là 82.274 tỷ đồng và vốn đầu tư nhà ở xã hội là 21.834 tỷ đồng. Đến năm 2025, vốn để phát triển nhà ở lên đến 370.253 tỷ đồng.
Có nhiều giải pháp để phát triển nhà ở trong giai đoạn 2016-2020. Theo đó, với khu vực trung tâm hiện hữu gồm Q.1 và Q.3, sẽ ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch (dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng...) cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975, không phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2020.
UBND TP.HCM xác định: hạn chế thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp trong khu vực 11 quận nội thành gồm các quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp và Bình Thạnh. Khu vực này sẽ tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo hướng hiện đại, hoàn thiện các dự án dở dang.
Với khu vực 6 quận nội thành phát triển - gồm các quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân - sẽ ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn (như tuyến metro số 1 tại các quận 2, 9, Thủ Đức) hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng; ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, đồng thời hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo.
Còn tại khu vực 5 huyện ngoại thành - gồm các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ - sẽ có chính sách ưu đãi đặc biệt để hình thành các khu dân cư mới (cao cấp và bình dân) phù hợp với các đối tượng để giãn dân nội thành, phục vụ giải phóng mặt bằng ở nội thành.
Quốc Ngọc/Phụ nữ