Cụ thể, TP.HCM sẽ tạo điều kiện và hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch theo 1 trong 4 phương án sau:
- Phương án 01: Tiếp tục thực hiện phương thức "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc phương án "3 tại chỗ theo kíp" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất);
- Phương án 02: Tiếp tục thực hiện phương thức "1 cung đường - 2 địa điểm" hoặc phương thức "1 cung đường - 2 địa điểm" mở rộng (doanh nghiệp tổ chức nhiều nơi lưu trú tập trung tại nhiều địa điểm khác nhau và tổ chức đưa đón công nhân từ nơi lưu trú tập trung đến nơi làm việc);
- Phương án 03: Tổ chức hoạt động theo phương châm "4 xanh" gồm: Người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh.
Trong đó, "người lao động xanh" được đi lại bằng xe cá nhân giữa "nơi làm việc xanh", "nơi ở xanh" theo một "cung đường xanh" (không dừng, đỗ dọc đường và không đi ngang qua các vùng có nguy cơ lấy nhiễm cao và rất cao) trong các khung giờ phù hợp;
- Phương án 04: Kết hợp các phương thức nêu tại các phương án trên.
Các doanh nghiệp trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định mới sẽ đăng ký với các cơ quan chức năng, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức theo quy định để được cho phép hoạt động theo các phương án trên kể từ sau ngày 15/8/2021.
Bên cạnh đó, bổ sung phương thức phân phối “đưa nông sản, thực phẩm trực tiếp từ nhà máy, trang trại đến người tiêu dùng" thông qua tổ chức kết nối các đơn vị cung ứng để đưa nông sản, thực phẩm trực tiếp đến người dân và tại các khu phong tỏa theo chương trình “bán hàng đồng giá".
Trước đó, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM phải tạm dừng sản xuất vì mô hình "3 tại chỗ" gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp không thể duy trì được "3 tại chỗ" vì chi phí lớn, quy mô diện tích chật hẹp, số lượng công nhân đông, việc áp dụng “3 tại chỗ” gặp rất nhiều rủi ro dẫn đến phát sinh các ổ dịch mới./.