TP HCM đang xúc tiến xây dựng mô hình bán hàng trực tuyến tại chợ truyền thống nhằm góp phần duy trì và phát huy giá trị văn hóa chợ truyền thống.
Ngày 3-5, tại buổi họp báo cung cấp thông tin trọng tâm của ngành công thương TP HCM quý II/2024, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương TP HCM, cho biết Sở Công Thương đang phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông ban hành kế hoạch liên tịch tổ chức tập huấn và thí điểm mô hình bán hàng trực tuyến tại chợ truyền thống trên địa bàn TP HCM.
Theo ông Hùng, thương mại điện tử là xu thế tất yếu nhưng nhiều thương nhân chợ truyền thống chưa bắt kịp xu thế phát triển thương mại này.
Chương trình nhằm cung cấp giải pháp cụ thể để hỗ trợ thương nhân tiếp cận, thích nghi với phương thức tiếp thị, bán hàng, phục vụ khách hàng… thông qua các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội đồng thời duy trì bản sắc văn hóa đặc trưng của chợ truyền thống.
"Chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn lưu động tại các chợ để tuyên truyền kỹ năng số, sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội và xây dựng cửa hàng trực tuyến, qua đó nâng cao nhận thức của thương nhân về yêu cầu chuyển đổi số, thích ứng với thương mại diện tử trong hoạt động kinh doanh tại chợ truyền thống" – ông Hùng nói.
Theo kế hoạch, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp cùng một số đơn vị xây dựng "Kênh tiếp thị liên kết" để phục vụ hoạt động truyền thông, quảng bá chợ và hỗ trợ thương nhân bán hàng.
Song song đó là xúc tiến hình thành "Không gian bán hàng trực tuyến" tại chợ để hỗ trợ thương nhân bán hàng trực tuyến và tổ chức các khoá tập huấn, thực hành kỹ năng bán hàng trực tuyến, đào tạo người sáng tạo nội dung (KOLs)… tại chợ; hỗ trợ thương nhân trực tiếp khởi tạo, vận hành gian hàng trực tuyến và hỗ trợ họ nâng cao hiệu quả bán hàng trực tuyến thông qua "Kênh tiếp thị liên kết", "Không gian bán hàng trực tuyến" và KOLs của chợ.
Theo Sở Công Thương TP HCM, sức mua của người dân và số lượng tiểu thương hoạt động tại các hệ thống chợ truyền thống có xu hướng giảm sau đại dịch. Với các ngành hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, số tiểu thương quay lại kinh doanh đạt từ 80% - 100%; ngành hàng khác như quần áo, vải, giày dép,… khoảng 30% - 70%.
Qua khảo sát, tùy theo chợ, đặc thù khu vực và tùy thời điểm, hiện nay lượng khách đến tại chợ giảm 20% - 30% so với thời điểm trước dịch và giảm 30% - 50% so với thời điểm năm 2019.
Theo Báo Người lao động