Trung tâm nghiên cứu BIDV cho rằng, hệ thống tài chính-ngân hàng đang ngày càng hoạt động lành mạnh hơn.
Biểu hiện thứ nhất là việc nợ xấu giảm mạnh, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ cơ cấu lại trên tổng dư nợ đã giảm mạnh từ mức 17,2% năm 2012 về mức khoảng 7,4% cuối năm 2017 và 6,7% tháng 6/2018. Nguyên nhân, một phần cũng là nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý hơn: trong giai đoạn 2011-2017, tăng trưởng tín dụng trung bình hàng năm đạt 14,3%/năm, thấp hơn so với mức tăng 34%/năm trong giai đoạn 2006-2010.
Thanh khoản ngân hàng cũng khá ổn định, tỷ lệ tín dụng so với vốn huy động (LDR) đã giảm dần từ mức 98% cuối năm 2011 xuống còn 87% cuối năm 2017 (bình quân 88% giai đoạn 2011-2017). Lãi suất cho vay đã giảm dần và ổn định ở mức bình quân 9,8%/năm giai đoạn 2011-2017 (thấp hơn đối với các lĩnh vực ưu tiên và khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh), so với mức 12,3%/năm giai đoạn 2006-2010.
Năng lực quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại (NHTM) dần tiệm cận chuẩn Basel 2, theo lộ trình đến năm 2020 do NHNN quy định. Theo đó, phần lớn các NHTM đều chủ động lên kế hoạch áp dụng chuẩn Basel 2, một số ngân hàng đã công bố hoàn thành việc triển khai hệ thống quản lý rủi ro và một số ít đã chuyển sang giai đoạn áp dụng chuẩn Basel 2 trong hoạt động.
Mức độ tín nhiệm ngày càng được cải thiện khi các tổ chức xếp hạng quốc tế (Fitch, Moody’s) liên tục nâng xếp hạng quốc gia Việt Nam và 12 NHTM trong nước trong tháng 5 và tháng 8 năm 2018 vừa rồi.
Khả năng sinh lời của các TCTD, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm ngày càng cải thiện với mức lợi nhuận và tỷ suất sinh lời (tính bằng lợi nhuận trên tài sản – ROA và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu – ROE) tăng mạnh trong các năm gần đây. Đồng thời, các định chế tài chính cũng trở nên minh bạch hơn với 23/35 NHTM cổ phần trong nước được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán quốc tế; 16/35 NHTM cổ phần, 26/85 công ty chứng khoán và 10/50 công ty bảo hiểm đã niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán.
Mặc dù hoạt động đã có những chuyển dịch lành mạnh hơn, chuyên gia của BIDV cho rằng, tái cơ cấu các TCTD vẫn còn nhiều thách thức, nhất là áp lực tăng vốn chủ sở hữu cho các NHTM. Tỷ lệ an toàn vốn – CAR của các NHTM hiện nay theo chuẩn của NHNN vẫn đạt yêu cầu là trên 9%, nhưng nếu áp theo chuẩn Basel 2 thì tỷ lệ này chưa đạt yêu cầu (dưới 8%) trong bối cảnh tín dụng tăng khoảng 14,3% giai đoạn 2011-2017 và có thể cao hơn trong giai đoạn 2018-2019.
Nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao, đến cuối tháng 6/2018 có tỷ lệ 6,7%, tái cơ cấu các TCTD yếu kém nếu không quyết liệt sẽ chậm tiến độ, có thể gây điểm nghẽn về thanh khoản và tăng trưởng kinh tế như đã từng xảy ra trong giai đoạn 2008-2009 và 2011-2013.
Hải Vân
Theo Trí thức trẻ