Như Tieudung.vn đã thông tin trước đó, ngày 2/1/2020, bác sĩ Nguyễn Tiến Huy người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của Thẩm mỹ viện (TMV) Sài Gòn Venus ở địa chỉ 406 Trần Hưng Đạo (phường 2, quận 5, TP Hồ Chí Minh) đã ký kết “HỢP ĐỒNG CUNG CẤP DỊCH VỤ HỖ TRỢ CHUYÊN MÔN Y TẾ” số 2525/HĐHT với Bệnh viện (BV) Đa khoa Vạn Hạnh. Thông qua việc hợp tác này, BV Vạn Hạnh thống nhất cho bác sĩ Nguyễn Tiến Huy thuê phòng mổ trong thời hạn 1 năm (2/1/2020 đến ngày 2/1/2021).
Chứng chỉ hành nghề được bác sĩ Nguyễn Tiến Huy đăng công khai trên trang wed quảng cáo của TMV Sài Gòn Venus
Lợi dụng việc ký kết nói trên, bác sĩ Nguyễn Tiến Huy “lén lút” đưa khách hàng của TMV Sài Gòn Venus sang BV Vạn hạnh mổ trái phép. Vậy, bản chất cuối cùng của những ca mổ này là gì: BV Vạn Hạnh mổ hay bác sĩ Nguyễn Tiến Huy mổ?
Tiếp cận bảng hợp đồng số 2525/HĐHT, PV ghi nhận thấy, có rất nhiều quyền và nghĩa vụ được đưa ra cho cả bác sĩ Nguyễn Tiến Huy và BV Vạn Hạnh. Trong đó, đáng chú ý nhất chính là nội dung: “Các xét nghiệm, Cận lâm sàng và hội chuẩn khi bên A (bác sĩ Nguyễn Tiến Huy) yêu cầu hoặc bên B (BV Vạn hạnh) xét thấy cần thiết (bên A sẽ được bên B thông báo).
Điều này có nghĩa, trong phạm vi quyền lợi được bác sĩ Nguyễn Tiến Huy chi trả, BV Vạn Hạnh sẽ không chịu trách nhiệm thực hiện xét nghiệm tiền phẫu cho khách hàng của Venus. Chỉ với những trường hợp nào do bác sĩ Nguyễn Tiến Huy yêu cầu hoặc khi BV Vạn Hạnh xét thấy cần thiết thì mới làm.
Đến đây, cần phải đặt câu hỏi: Vậy, với những ca phẫu thuật mà bác sĩ Nguyễn Tiến Huy không yêu cầu hoặc BV Vạn Hạnh xét thấy không cần thiết thì bệnh nhân sẽ được thực hiện xét nghiệm tiền phẫu ở đâu?
Để làm rõ nội dung này, ngày 13/1, PV trong vai khách hàng đã liên hệ vào số Hotline 0941302233 và được nhân viên tên Trân của TMV Sài Gòn Venus tư vấn dịch vụ treo ngực kết hợp đặt túi với mức giá từ 80-93 triệu đồng.
Theo đó, Trân khẳng định, bác sĩ Nguyễn Tiến Huy sẽ mổ cho khách hàng tại BV Vạn Hạnh, nhưng toàn bộ quy trình xét nghiệm tiền phẫu thuật được thực hiện ngay tại cơ sở của Venus (406 Trần Hưng Đạo, phường 2, quận 5, TP Hồ Chí Minh).
“Chị cứ yên tâm qua TMV bên em làm xét nghiệm, y tá sẽ hướng dẫn chị ghi hồ sơ. Cụ thể, bên em sẽ xét nghiệm máu, kiểm tra huyết áp, tiểu đường…tức là kiểm tra tổng quát hết cho chị luôn. Qua hôm sau, chị cứ đến BV Vạn Hạnh rồi đi thẳng vào phòng mổ, còn hồ sơ bệnh án TMV sẽ làm thay cho chị”, Trân nói.
Hợp đồng số 2525/HĐHT mà bác sĩ Nguyễn Tiến Huy ký với BV Vạn Hạnh ghi rõ phần trách nhiệm thực hiện xét nghiệm tiền phẫu thuộc về phía bác sĩ Huy (khung đỏ)
Khi PV đặt câu hỏi tại sao không xét nghiệm trong BV Vạn Hạnh để an toàn, thì Trân giải thích, xưa nay khách hàng nào cũng xét nghiệm ở Venus, chỉ phẫu thuật mới làm ở BV Vạn Hạnh.
Như vậy, rõ ràng, mang tiếng được PTTM ở BV Vạn Hạnh (nơi được Bộ Y tế cấp phép), các khách hàng của MTV Sài Gòn Venus lại không hề hay biết, BV Vạn Hạnh thực tế chỉ là địa điểm mổ để hợp thức hóa sai phạm của Venus. Còn lại từ bác sĩ, xét nghiệm tiền phẫu, trách nhiệm hậu phẫu...đều không dính dáng đến BV Vạn Hạnh.
Trao đổi với PV báo Kinh tế và Đô thị, một bác sĩ thẩm mỹ tại TP Hồ Chí Minh cho biết, để có một ca PTTM đẹp an toàn cần 4 yếu tố quyết định. Bác sĩ chất lượng (có chứng chỉ hành nghề đúng chuyên khoa); bệnh viện an toàn (cơ sở trang thiết bị hiện đại); bệnh nhân an toàn (sức khỏe tốt, kiểm tra sức khỏe tốt); sản phẩm - vật liệu an toàn (đầy đủ giấy phép hợp pháp).
“Ở đây, có thể hiểu, bệnh nhân an toàn chính là quy trình xét nghiệm tiền phẫu. Trước khi PTTM, bệnh nhân sẽ phải trải qua các bước kiểm tra cơ bản như: siêu âm, chụp x-quang, kiểm tra huyết áp... Trong đó, xét nghiệm máu được coi là bước quan trọng nhất, đánh giá được toàn bộ thể trạng và bệnh lý nội khoa mà người tham gia phẫu thuật mắc phải như: chỉ số tế bào máu, các bệnh lý lây nhiễm, rối loạn đông máu và nguy cơ xảy ra các biến chứng của cuộc phẫu thuật. Với những đối tượng đang mắc phải một vài bệnh lý mãn tính như: tiểu đường, tim mạch, máu khó đông, dị ứng thuốc, chức năng gan, thận kém... có thể gặp phải những biến chứng, rủi ro làm ảnh hưởng đến tính mạng trong quá trình phẫu thuật”, bác sĩ này tư vấn.
Phải thừa nhận, không có phẫu thuật hay thủ thuật nào là tuyệt đối an toàn. Nhưng nếu như thực hiện tại các cơ sở đã được cấp phép, có đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, nhân viên y tế có chứng chỉ hành nghề, có kinh nghiệm thì nguy cơ gặp tai biến sẽ giảm đáng kể...Do đó, hành vi cố tình thực hiện xét nghiệm tiền phẫu ngay tại cơ sở không được cấp phép, TMV Sài Gòn Venus đang đặt lợi nhuận, lợi ích doanh nghiệp lên trên đạo đức hành nghề, thậm chí lên trên cả sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng?
Có dấu hiệu trốn thuế?
TMV Sài Gòn Venus (406 Trần Hưng Đạo (phường 2, quận 5, TP Hồ Chí Minh) hoạt động trái phép công khai mà chưa bị Thanh tra Sở Y tế phát hiện hay xử phạt?
TMV Sài Gòn Venus dưới sự dẫn dắt của bác sĩ Nguyễn Tiến Huy (chủ sở hữu và cũng là người đại diện chuyên môn) đã công khai, rầm rộ thực hiện hoạt động PTTM trái phép. Và, trong quy trình hoạt động này, với vai trò quan trọng, xuyên suốt... tiền đã "chảy" vào tài khoản cá nhân bác sĩ Nguyễn Tiến Huy.
Vì sao có thể khẳng định như vậy? Theo ghi nhận của PV, hiện nay nhân viên của TMV Sài Gòn Venus đang tư vấn cho khách hàng nhiều gói phẫu thuật với mức giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Nguồn doanh thu được xem là đáng mơ ước với các cơ sở kinh doanh chân chính trong thời điểm nền kinh tế cả nước đang gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, vì là hoạt động trái phép nên làm thế nào TMV Sài Gòn Venus kê khai, báo thuế cho các khoản thu nhập nói trên?
Thực tế, dù hoạt động trên danh nghĩa phòng khám chuyên khoa PTTM thuộc Công ty TNHH Thẩm mỹ Ngọc Huy, nhưng TMV Sài Gòn Venus lại thu tiền thực hiện dịch vụ bằng nhiều tài khoản cá nhân mang tên bác sĩ Nguyễn Tiến Huy.
Cụ thể, trong vai khách hàng, PV được nhân viên của Venus yêu cầu chuyển tiền sử dụng dịch vụ PTTM vào tài khoản cá nhân mang tên Nguyễn Tiến Huy (STK: 989…929, ngân hàng VIB). Một lần khác, PV cũng trong vai khách hàng lại được yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân mang tên Nguyễn Tiến Huy (STK 0602….6224, ngân hàng Sacombank chi nhánh quận 5, TP Hồ Chí Minh)…
Nhân viên của Venus nhắn tin cho PV số tài khoản cá nhân của bác sĩ Nguyễn Tiến Huy và yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản này
Liên quan đến nội dụng này, chị N.T.Q. (kế toán trưởng của một công ty trên địa bàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hành vi cố tình thu tiền bằng nhiều tài khoản cá nhân cho thấy cơ sở này đang có dấu hiệu trốn thuế.
“Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động bằng hai hệ thống kế toán, 1 là kế toán nội bộ, 2 là kế toán thuế. Với những khoản thu mà khách hàng yêu cầu xuất hoá đơn thì sẽ chuyển vào tài khoản của công ty, sẽ nộp thuế. Còn với những khách hàng không yêu cầu xuất hoá đơn, không cần khai báo thuế thì sẽ thu tiền bằng tài khoản nội bộ của công ty (đó có thể tài khoản do ông/bà chủ công ty đứng tên), để không tính là doanh thu của công ty và từ đó trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây chính là vấn nạn của ngành thuế”, chị N.T.Q. nói.
Đồng thời chị N.T.Q. cũng nhấn mạnh, thường cơ quan thuế sẽ không yêu cầu ngân hàng cung cấp toàn bộ tài khoản cũng như số dư thanh toán của tất cả các khách hàng. Việc yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản, giao dịch chủ yếu là phục vụ cho thanh tra, kiểm tra. Do đó, rất khó để cơ quan thuế kiểm soát được việc doanh nghiệp cố tình thu tiền bằng tài khoản cá nhân để lách thuế.
“Minh bạch, công bằng thu thuế là yêu cầu tất yếu để Chính phủ bảo đảm sự công bằng giữa tất cả các doanh nghiệp. Thiết nghĩ, cơ quan quản lý thuế phải phối hợp với ngân hàng để ban hành quy định cụ thể như trường hợp nào thì ngân hàng phải cung cấp tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế? Trình tự, thủ tục cung cấp ra sao? Vấn đề sử dụng và bảo mật thông tin tài khoản của khách hàng trong quá trình phối hợp của hai cơ quan như thế nào?...”, chị N.T.Q. góp ý kiến.
Rõ ràng, thu tiền qua nhiều tài khoản cá nhân, TMV Sài Gòn Venus có dấu hiệu mập mờ trong việc kê khai và đóng thuế. Tuy nhiên, bên cạnh dấu hiệu trốn thuế, hoạt động trái phép, ghi nhận còn cho thấy TMV Sài Gòn Venus có tư vấn, nhận khách các dịch vụ thẩm mỹ mà đến nay Bộ Y tế chưa hề cấp phép tại Việt Nam. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng…
Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin trong các bài viết tiếp theo.