Những năm gần đây, Châu Á nhanh chóng dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp giải pháp tài chính kỹ thuật số. Trong đó, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản được xem như những thị trường đang dẫn đầu. Vừa qua, Tạp chí PaySpace và Seasia đã công bố 8 ngân hàng kỹ thuật số được đánh giá đang có tốc độ phát triển và kết quả kinh doanh tốt nhất trong khu vực.
1. WeBank (Trung Quốc)
Được biết đến là ngân hàng kỹ thuật số tư nhân đầu tiên ở Trung Quốc, WeBank được thành lập vào đầu năm 2015 bởi gã khổng lồ Tencent - công ty về mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, đồng thời là nhà điều hành của WeChat.
WeBank cung cấp các dịch vụ ngân hàng bán lẻ cũng như các khoản vay tín dụng thông qua các kênh kỹ thuật số. Các cổ đông lớn của WeBank bao gồm Shenzhen Liye Group và Shenzhen Baiyeyuan Investment, công ty mẹ của Joincare Pharmaceutical Group Industry Co, Ltd., niêm yết tại Thượng Hải.
2. MYbank (Trung Quốc)
Năm 2015, Alibaba ra mắt MYbank, ngân hàng trực tuyến dành cho thị trường Trung Quốc. MYbank tập trung vào người tiêu dùng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời sử dụng dữ liệu tín dụng từ gã khổng lồ thương mại điện tử để tiến hành phân tích các khoản vay.
Với sứ mệnh “cung cấp các giải pháp tài chính toàn diện và sáng tạo cho các cá nhân ở cả thành thị - nông thôn và các doanh nghiệp nhỏ - siêu nhỏ”, MYbank là ngân hàng 100% kỹ thuật số, không có chi nhánh và phục vụ khách hàng liên tục 24/7.
3. Digibank (Singapore)
Là một ứng dụng ngân hàng chỉ dùng trên điện thoại di động, Digibank được thành lập bởi Ngân hàng DBS, một trong những tổ chức tài chính hàng đầu của Singapore.
Ứng dụng DBS Digibank được thiết kế để giúp khách hàng thực hiện các giao dịch đơn giản hơn, thông minh hơn và tiết kiệm thời gian. Digibank cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng 24 giờ thông qua trợ lý ảo điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo. Các quan chức Ấn Độ cho rằng, sự ra mắt của Digibank là “WhatsApp của ngành ngân hàng”. Khách hàng có thể mở tài khoản tại một trong số 500 quán cà phê được ủy quyền bằng cách sử dụng dấu vân tay và thẻ ID sinh trắc học.
4. Nền tảng ngân hàng số Timo (Vietnam)
Timo - viết tắt của cụm từ Time and Money (thời gian và tiền bạc), được thành lập vào năm 2015, là nền tảng ngân hàng kỹ thuật số đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2017, Timo bắt đầu cung cấp các sản phẩm bảo hiểm thông qua hợp tác với Sun Life Việt Nam. Sau 6 năm hoạt động trên thị trường, Timo đã đưa vào sử dụng 5 mô hình Hangouts tại 4 thành phố trọng điểm trên toàn quốc - nơi khách hàng có thể trải nghiệm sản phẩm tài chính số hóa trong môi trường độc đáo mà không phải ngân hàng thông thường nào có được.
Thông qua quan hệ đối tác với ngân hàng Viet Capital Bank, Timo cung cấp một bộ công cụ toàn diện hỗ trợ nhu cầu tài chính kèm theo những dịch vụ ngân hàng thiết yếu. Người dùng có thể gửi tiền cho bạn bè qua số điện thoại hoặc quản lý tài khoản ngân hàng của mình một cách dễ dàng và thuận tiện thông qua ứng dụng Timo trên điện thoại di động.
Timo xây dựng và phát triển tệp khách hàng tiềm năng một cách nhanh chóng từ thế hệ dân số trẻ, với mong muốn thực hiện mọi giao dịch ngân hàng trên điện thoại. Sứ mệnh của Timo là cải thiện đời sống tài chính của khách hàng để họ có thể dễ dàng đạt được thành công từ các mục tiêu và ước mơ của mình. Hơn cả một ngân hàng, Timo mong muốn sẽ là nhân tố trung tâm trong mạng lưới Fintech tại Việt Nam, trở thành một “cộng sự” tài chính, hỗ trợ khách hàng trong tất cả các hoạt động liên quan tới tài chính.
5. Jibun Bank (Nhật Bản)
Được thành lập vào năm 2008, Jibun Bank - ngân hàng chỉ dùng trên điện thoại di động, đã trở thành một trong những ngân hàng di động lớn và có lợi nhuận cao nhất tại Nhật Bản. Ngân hàng cung cấp các dịch vụ ngân hàng thương mại cũng như các dịch vụ thanh toán thông qua ba kênh: di động, Internet và điện thoại.
Ngân hàng Jibun là một hình thức liên doanh 50-50 giữa Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ và công ty viễn thông địa phương, KDDI. Trong năm đầu tiên, ngân hàng đã có hơn 500.000 khách hàng mới. Vào năm 2015, Ngân hàng Jibun đã có số lượng tài khoản ngân hàng di động cao nhất ở Nhật Bản - 2 triệu - với mức tăng trưởng kép hàng năm là 11,15%, theo Asian Banker.
6. Jenius (Indonesia)
Jenius là một kênh ngân hàng di động do Bank Tabungan Pensiunan Nasional (BTPN) phát triển và ra mắt vào năm 2016. Jenius không phải là một ngân hàng mà là một nền tảng ngân hàng kỹ thuật số do ngân hàng cung cấp. Người dùng phải có tài khoản ngân hàng với BTPN trước khi có thể sử dụng Jenius.
Trong số các tính năng độc đáo trên Jenius là $Cashtag, cho phép chuyển tiền ngang hàng. Người dùng có thể gửi và yêu cầu chuyển tiền cho nhau và có thể cá nhân hóa tài khoản ngân hàng của họ. Ngoài ra, One Touch - xác thực chủ sở hữu tài khoản bằng dấu vân tay, cũng là một tính năng độc đáo mà Jenius cung cấp cho khách hàng của họ.
7. K Bank (Hàn Quốc)
K Bank được thành lập vào tháng 4 năm 2017, đây là ngân hàng kỹ thuật số đầu tiên tại Hàn Quốc. Ngân hàng được dẫn dắt bởi tập đoàn viễn thông khổng lồ KT Corp của Hàn Quốc và 20 công ty khác. Khách hàng có thể làm mọi thứ từ mở tài khoản ngân hàng đến đăng ký khoản vay thông qua điện thoại thông minh của họ, đi kèm với thẻ ghi nợ cho phép người dùng rút tiền mặt tại hơn 11.000 máy ATM trên cả nước.
Bên cạnh đó, bằng việc sử dụng hệ thống dữ liệu lớn của KT Corp để phân tích kỹ càng xếp hạng tín dụng của khách hàng, K Bank cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp cho những cá nhân có khả năng trả nợ tốt nhưng bị xếp hạng tín nhiệm thấp.
8. Kakao Bank (Hàn Quốc)
Kakao Bank là ngân hàng chỉ sử dụng Internet được ra mắt vào năm 2017. Kakao Bank, được quản lý bởi nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin di động lớn nhất Hàn Quốc Kakao Corp. Nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC), Kakao Bank trở thành ngân hàng thứ hai sau K Bank, bắt đầu cung cấp dịch vụ vào tháng 4 năm 2017.
Yun Hoyoung, đồng giám đốc ngân hàng, cho biết một trong những dịch vụ đặc biệt của Kakao Bank là chuyển tiền ra nước ngoài. Ông cũng cho rằng việc ngân hàng liên kết với Kakaotalk - ứng dụng nhắn tin với 40 triệu người dùng, là một điểm mạnh đáng chú ý của Kakao Bank.
Dịch vụ chuyển tiền nhanh của Kakao Bank được chạy dựa trên danh sách bạn bè của Kakao Talk. Người dùng ứng dụng nhắn tin sẽ có thể gửi tiền đến người liên hệ trên Kakaotalk của họ một cách đơn giản và thuận tiện.
Kakao Bank hiện có chín cổ đông bao gồm Korea Investment Holdings Co., KB Kookmin Bank, Netmarble Games Corp. và eBay Inc.
Thành Nhân