Bạn đọc Trần Thụy Mỹ, nữ, 55 tuổi, TP HCM, hỏi: Chào bác sĩ, tôi ngày xưa tập thể thao nặng nên giữ được nhịp tim khá thấp (hơn 60). Tuy nhiên vừa qua, tôi có cảm giác dễ mệt hơn trong vài lần gắng sức, hay hồi hộp…, tự đo huyết áp, nhịp tim thì thấy nhịp tim tăng lên khá nhiều. Tôi đi khám ở phòng mạch và được cho biết có các triệu chứng nghi ngờ rối loạn nhịp tim. Xin cho hỏi là tại sao tôi bị rối loạn nhịp tim? Bệnh này có nguy hiểm không và có cách thay đổi ăn uống, lối sống làm sao để hết bị rối loạn không? Tôi nghe nói có người đột tử vì chứng này, có thật không?
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), trả lời:
Chào chị, khi tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là tập thể thao nặng, chuyên nghiệp, cơ tim thích nghi với tình trạng hoạt động gắng sức nên thể tích nhát bóp của tim (stroke volume) tốt hơn, hiệu quả hơn. Do đó nhịp tim có xu hướng chậm 60 lần/phút, mà vẫn bảo đảm cung lượng tim cung cấp đủ máu đến nuôi các mô, tế bào trong cơ thể. Bình thường ở các thể trạng này trái tim thường khỏe, ít mắc phải các bệnh lý tim mạch.
Dù nguy cơ thấp hơn người bình thường, ở độ tuổi này chị vẫn cần chú trọng đến sức khỏe tim mạch.
Rối loạn nhịp tim là bệnh lý phức tạp, biểu hiện có nhiều hình thức: ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất, rung nhĩ, cuồng nhĩ, nhịp nhanh kịch phát trên thất, block nhĩ thất... Rối loạn nhịp tim làm giảm thể tích nhát bóp của tim, giảm cung lượng tim, lâu ngày gây ra tình trạng suy tim. Một số rối loạn nhịp tim có thể gây đột tử như rung thất, hoặc dễ tạo lập huyết khối gây thuyên tắc mạch não dẫn đến đột quỵ như rung nhĩ, cuồng nhĩ.
Để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm mà chị lo sợ, chị cần phải đi khám kỹ lại vấn đề này ở chuyên khoa tim mạch. Ở đó, chị sẽ được đo Điện tâm đồ (ECG), Holter nhịp tim 24 giờ, khảo sát điện sinh lý buồng tim để được chẩn đoán chính xác và có phương án điều trị hợp lý nhất.
Đồng thời, chị cũng nên có sự thay đổi về cách ăn uống, sinh hoạt. Trong thư chị có nói từng tập thể thao, nhưng không rõ chị còn duy trì thói quen này? Tập thể dục đều đặn, vừa sức là một trong những điều cần thiết để giữ gìn sức khỏe tim mạch, kiểm soát nhịp tim ổn định. Ngoài ra chị cần giảm dầu mỡ và lượng muối sử dụng trong các món ăn, hạn chế các chất kích thích như cà phê, rượu, bia và các đồ uống có cồn khác…