Giám đốc tài chính và phát triển của Tiki, ông Ngô Hoàng Gia Khánh cho biết, trang thương mại điện tử này đang chuẩn bị cho vòng gọi vốn mới (Series D), mục tiêu là gọi được 50 – 100 triệu USD từ các quỹ đầu tư chiến lược hay nhóm nhà đầu tư tài chính.
Để gọi vốn, Tiki sẽ phát hành thêm cổ phiếu theo nhiều đợt. Công ty dự kiến sẽ tăng vốn thêm 50 triệu USD vào cuối năm 2018 và một đợt khác trong 18 tháng tiếp sau. Số tiền thu về sẽ được dùng hỗ trợ công tác nghiên cứu và phát triển, xây dựng hạ tầng và đào tạo người dùng.
Hiện tại, Tiki đang phát triển vài ứng dụng trên điện thoại và bổ sung thêm nhiều dịch vụ mới. Tiki muốn gọi vốn từ các nhà đầu tư trong lĩnh vực thương mại điện tử, để được hỗ trợ thêm mảng xây dựng chiến lược và vận hành cho mình.
Các cổ đông cũ của Tiki trong những vòng gọi vốn trước là VNG và JD.com có thể tiếp tục tham gia vòng gọi vốn này. Sự có mặt của JD.com cũng sẽ là điểm tựa để thu hút các nhà đầu tư chiến lược khác.
Mới đây, JD.com bất ngờ tham gia vào vòng gọi vốn Series C của Tiki và trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của Tiki. Giá trị của thương vụ được đồn đoán là khoảng 1.000 tỷ đồng.
Xuất phát từ một trang bán sách online, Tiki có 8 năm hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam
Hiện tại, Tiki vẫn chưa lựa chọn một tổ chức tư vấn tài chính nào cho vòng gọi vốn tiếp theo Series D. Gọi vốn thành công trong nhiều vòng trước, tuy nhiên, Tiki cũng đang phải tiêu rất nhiều tiền để duy trì vị thế của mình trên thị trường.
Báo cáo tài chính của VNG, một trong những nhà đầu tư chiến lược của Tiki hé lộ công ty này đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế 320 tỷ đồng khi đầu tư vào Tiki.
Câu chuyện thua lỗ của Tiki phần nào phản ánh bức tranh chung của ngành thương mại điện tử. Tuy nhiên, khác với những doanh nghiệp thông thường, bản thân những startup như Tiki không dựa vào lợi nhuận để định giá. Trong một thị trường có tốc độ tăng trưởng hai chữ số như thương mại điện tử, thị phần, doanh số bán hàng, giá trị mua trên mỗi khách hàng và tỷ lệ khách hàng quay lại mới là những yếu tố chính.
Một lãnh đạo của Tiki cho biết, trong vòng 3- 5 năm tới, công ty này sẽ phải chọn 1 trong 2 lựa chọn: Tiến hành IPO hoặc bị thâu tóm bởi một công ty khác. Mặc dù vậy, Tiki vẫn chưa có kế hoạch IPO từ nay cho tới năm 2021. Công ty muốn mở rộng hoạt động lớn hơn nữa và tiếp tục gọi vốn để nâng cao giá trị.
Trong trường hợp niêm yết, Tiki muốn lên sàn chứng khoáng Hồng Kông. Còn trong trường hợp bị thâu tóm, Tiki muốn được một thương hiệu toàn cầu mua lại để đưa mảng kinh doanh của mình lên một tầm cao mới.
Thương vụ trang thương mại điện tử Flipkart của Ấn Độ bán mình cho ông trumg bán lẻ Walmart của Mỹ với giá 16 tỷ USD mới đây là một ví dụ điển hình cho phương thức này.
Hiện tại, đối thủ của Tiki trong nước bao gồm các trang thương mại điện tử Lazada, Adayroi, hay Shopee, Sendo.
Thành lập năm 2010 bắt nguồn từ một trang bán sách trực tuyến, Tiki đã phát triển thành nền tảng thương mại điện tử quy mô đa mặt hàng với 250 triệu lượt truy cập vào trang trong năm qua và chiếm khoảng 10% lưu lượng vào các trang thương mại điện tử tại Việt Nam. 2 chiến lược trọng tâm mà Tiki đặt ra đó là kiểm soát tốt chất lượng đầu vào (hàng hóa bán trên Tiki phải được kiểm duyệt trước) và đảm bảo dịch vụ vận chuyển hàng nhanh chóng.
Tiki đang nhắm tới thị trường Đài Loan để mở rộng. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ tiến hành sau ít nhất 3 năm nữa, khi Tiki đã là số 1 trong lĩnh vực thương mại điện tử B2C tại Việt Nam.
Thị trường trong nước hiện vẫn cho thấy nhiều cơ hội để phát triển. Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn năm 2018-2020. Trong khi đó, báo cáo của Statista ước tính tổng doanh thu thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 4 tỷ USD vào năm 2020.
Trần Dũng /TheLEADER