Chợ lá dong Ông Tạ nổi tiếng TP.HCM nằm ở ngã ba đường Cách Mạng Tháng Tám - Phạm Văn Hai (quận Tân Bình). Ghi nhận của PV, sáng 20/1 (tức 18 tháng Chạp), chợ vắng hơn hẳn mọi năm và có khả năng lá dong sẽ bị ế trong dịp Tết Nguyên đán 2022.
Chợ thưa khách, tiền vận chuyển tăng gấp đôi
Bà Út Loan (quận 3, TP.HCM) cho biết, thời điểm này mọi năm khách đã tới đông, nhưng nay chưa thấy lò bánh lớn nào đến mua lá dong. Lác đác chỉ là khách lẻ, người dân tới xem, mua lá. Lượng người mua giảm còn 1/3.
Đã kinh doanh ở chợ 25 năm, nhưng có lẽ đây là năm vắng “lịch sử” của chợ lá dong Ông Tạ. Bà Loan dự kiến phải sau ngày 20 hoặc 22 tháng Chạp mới có thể nhận định chính xác thị trường. 3-4 năm trước, xe tải chở hàng về liên tục, không có thời gian ngồi nghỉ. Hiện tại, quá ít khách đến mua lá gói bánh chưng cúng Tết ông Công ông Táo (23 tháng Chạp).
“Chợ này là nơi bán lá dong nổi tiếng, ở đây không có hàng người ta mới đi chỗ khác tìm mua. Mọi năm, tôi bán được 12.000-15.000 lá đủ kích cỡ. Năm nay, mấy lò bánh chưng lớn phục vụ Tết chưa thấy đâu cả. Có lẽ họ giảm số lượng bán ra”, bà Loan nói.
Bà Nguyễn Thị Điệp (huyện Đức Huệ, Long An) cho hay, dịp Tết này, lá từ các vườn trồng ngoài Hà Nội và từ xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) chuyển vào ít hơn mọi năm. Lý do, một số vùng vẫn còn dịch và đường vận chuyển khó khăn. Trước thì cứ mỗi đêm một xe nhưng giờ 2-3 đêm mới có một xe hàng về. Tuy nhiên, các thương lái cũng chưa dám tăng giá vì cả năm người dân đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chỉ khi các nhà vườn cung cấp tăng giá lá, buộc thương lái phải tăng theo vì không thể bù lỗ nhiều chi phí.
Tiểu thương Hoàng Thị Thu (quận Tân Bình, TP.HCM) thông tin, số lượng lá dong nhập từ Hà Nội ít, khoảng 3.000 lá, nhưng tiền vận chuyển quá đắt. Từ Hà Nội vào đến TP.HCM mất khoảng 3 ngày mới tới nơi, tiền cước hết 1,05 triệu đồng còn mọi năm chỉ 600.000 đồng. Do đó, lá dong Hà Nội cỡ đại giá 12.000 đồng/lá tại vườn, tính thêm tiền xe nên giá bán tại chợ là 16.000 đồng/lá. Lá dong từ Gia Kiệm, lá đại 18.000 đồng/lá. Mức giá trên có thể thay đổi trong ít ngày tới, tùy tình hình khách mua. Dịp Tết 2021, chị Thu bán được 400.000 lá, nhưng bán đến đâu chị nhập lá đến đó, không trữ hàng.
Ăn ngủ vỉa hè, thuê chỗ tắm để bán lá dong
Khách của chợ lá dong Ông Tạ đến từ nhiều địa phương. Thậm chí, có người từ miền Đông, miền Tây Nam Bộ chạy xe hàng chục km tới nơi để mua lá về gói bánh chưng. Đặc biệt là những người dân có gốc gác miền Bắc. Điểm bán lá dong tại đây nổi tiếng, nhưng chỉ là một điểm bán tự phát. Giáp Tết hàng năm, các thương lái tập trung về, làm trung gian thu mua và bán lá cho người dân xong rồi lại đi. Họ ăn, ngủ ngay trên vỉa hè đoạn đường dài khoảng 100m để tiện buôn bán.
Ngủ ngoài đường không mất tiền, nhưng thương lái phải thuê chỗ đi vệ sinh và tắm rửa hàng ngày trong nhà dân. Giá thuê tầm 2 triệu đồng cho khoảng 20 ngày. “Tính ra tiền lời được có vài triệu ăn Tết thôi. Có năm lỗ vì lá ế quá. Chúng tôi phải bỏ trốn vì công nhân dọn vệ sinh yêu cầu nộp thêm tiền dọn lá thừa”, bà Nguyễn Thị Điệp chia sẻ.
Trước kia, chợ tập trung từ 30-40 người bán, giờ chỉ còn khoảng 10 tiểu thương lâu năm. Có gia đình đã 3 thế hệ bán lá. Những tiểu thương này làm việc tự do ở nhà nên tranh thủ ra chợ kiếm thêm vụ Tết. Ngoài bán lá, họ còn bán kèm lạt buộc và khuôn gói bánh. Anh Nguyễn Thành Luân (TP.HCM) ra mua lá dong và vật dụng đi kèm chuẩn bị tổ chức thi gói bánh tại cơ quan. Anh mua sớm vì thời gian này giá rẻ hơn ngày cận Tết.
Còn gia đình anh Nguyễn Thiên Phú (TP.HCM) năm nào cũng ghé chợ ông Tạ để mua khuôn, lá dong, lạt về gói bánh. Dù dịch bệnh Covid-19 khiến năm 2021 trôi qua với nhiều khó khăn, nhưng anh Phú nghĩ việc có một chiếc bánh chưng xanh trong ngày Tết là nét văn hóa của gia đình Việt. Tết cổ truyền càng không thể thiếu./.