Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh ngưỡng 1.781 USD/ounce, tăng hơn 5 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Trong tuần qua, vàng chịu áp lực giảm 3 phiên liền giữa tuần, khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng và quỹ ETF vàng hàng đầu thế giới tiếp tục bán ra kim loại quý.
Tuy nhiên, phiên cuối tuần giá vàng đã đảo chiều đi lên. Tính chung trong tuần vàng thế giới đã tăng 18 USD/ounce so với giá chốt phiên cuối tuần trước và 9 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Ảnh minh họa. (Internet)
Chuyên gia nhận định, giá vàng tăng trở lại phiên cuối tuần là do Mỹ sắp bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Cụ thể, Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa thông báo đã đạt thỏa thuận với một nhóm nghị sỹ lưỡng đảng về kế hoạch đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Những khoản chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sẽ giúp cho triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ càng mạnh hơn. Đi kèm theo đó sẽ là lạm phát gia tăng, giúp cho vàng có cơ hội đi lên.
Đặc biệt, ngày 25/6, Viện Thống kê Quốc gia Pháp (INSEE) đã cho biết nợ công của nước này đạt 2.739,2 tỷ euro tương đương khoảng 3.271,3 tỷ USD trong quý 1/2021, bằng 118,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia. Nguyên nhân là do các biện pháp kích thích tài chính liên quan đến cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh Covid-19 và kế hoạch phục hồi kinh tế.
Giới đầu tư lo ngại, điều này sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng về kinh tế và tiền tệ. Do đó, các nhà đầu tư đã mua lại vàng tránh rủi ro cho dòng tiền.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho biết, một số ngân hàng trung ương đã xem xét thắt chặt tiền tệ ngay trong năm nay, tránh lạm phát gia tăng. Cụ thể, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cho biết, có thể sẽ một lần nữa đi đầu trong chu kỳ tăng lãi suất ở châu Á. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bắt đầu hạn chế tăng trưởng tín dụng, bằng việc tăng lãi suất cho vay. Còn Ngân hàng Trung ương New Zealand dự kiến tăng lãi suất trong năm tới 2022
Việc hạn chế tăng trưởng tín dụng ở châu Á sẽ có thể lan sang các nước ở các khu vực khác. Điều này sẽ khiến các đồng tiền mạnh lên. Có thể vàng sẽ không tăng giá mạnh.
Hiện tại, giới đầu tư dõi theo các kế hoạch giảm mua tài sản và tăng lãi suất của Fed. Nếu Fed cũng có 1 trong 2 quyết định là giảm mua trái phiếu hoặc tăng lãi suất thì vàng sẽ lùi sâu.
Tuần qua, giá vàng trong nước biến động theo thị trường thế giới nhưng biên độ dao động hẹp. Tính chung, trong tuần giá vàng SJC trên thị trường tự do đã tăng 200.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Vàng SJC tại Doji đã tăng giá 300.000 đồng/lượng và Phú Quý đã tăng 220.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Tuần qua, khi giá vàng SJC ở những phiên giá thấp đã có 55% lượng khách mua vào và 45% lượng khách bán ra.
Các doanh nghiệp vẫn đưa ra khuyến cáo nhà đầu tư nên cân nhắc khi giao dịch, bởi diễn biến các nền kinh tế trên toàn cầu và sự ảnh hưởng của đồng USD đến vàng.
Xăng dầu đồng loạt tăng giá
Chiều 26/6, Liên Bộ Công thương- Tài chính quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần, cụ thể:
Xăng E5RON92 tăng 712 đồng/lít
Xăng RON95-III tăng 752 đồng/lít
Dầu diesel 0.05S tăng 671 đồng/lít
Dầu hỏa tăng 639 đồng/lít
Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 495 đồng/kg.
Ảnh minh họa. (Internet)
Theo đó:
Xăng E5RON92 không cao hơn 19.760 đồng/lít
Xăng RON95-III không cao hơn 20.916 đồng/lít
Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 16.119 đồng/lít
Dầu hỏa không cao hơn 15.051 đồng/lít
Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.449 đồng/kg.
Tại kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục không trích lập quỹ bình ổn giá đối với tất cả loại xăng, dầu. Tuy nhiên, liên Bộ chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 1.500 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 500 đồng/lít và dầu diesel 100 đồng/lít.
Trứng gia cầm tăng giá trở lại
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, sau một thời gian dài xuống giá và bán lỗ vốn, nhưng từ giữa tháng 5 đến nay trứng gia cầm đã bắt đầu tăng giá trở lại.
Cùng với đó, giá sản phẩm thịt gia cầm đang có chiều hướng tăng, dự kiến còn tăng cao trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7/2021 do nguồn cung thiếu hụt, bắt nguồn từ số lượng giống gia cầm đưa vào chăn nuôi thương phẩm trong quý I/2021 giảm 50% so với quý IV/2020.
Sở dĩ có tình trạng này là bởi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao, gia tăng chi phí đầu vào nên các hộ chăn nuôi hạn chế tái đàn.
Ảnh minh họa. (Internet)
Khảo sát một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ Nguyễn Công Trứ, Trại Găng (quận Hai Bà Trưng), Khương Thương, Kim Liên (quận Đống Đa), chợ Châu Long, Thành Công (quận Ba Đình) cho thấy, giá trứng gia cầm đã tăng trung bình 300 - 400 đồng/quả.
Cụ thể, giá trứng vịt dao động từ 2.500 - 2.800 đồng/quả, trứng vịt lộn 3.300 đồng/quả, trứng gà ta từ 3.000 - 3.500 đồng/quả, trứng gà đỏ từ 2.300 - 2.500 đồng/quả…
Thực tế cho thấy không chỉ tại hệ thống chợ truyền thống, trứng gia cầm đứng ở mức cao mà tại các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự.
Những ngày này tại hệ thống siêu thị Vinmart trứng gia cầm được bán với giá khá cao, trứng tươi nhã hiệu Dabaco 26.500 đồng/hộp 10 quả, trứng gà so trang trại Ba Vì 46.300 đồng/hộp 10 quả, trứng gà công nghiệp 26.100 đồng/hộp 10 quả, trứng gà DHA Dabaco 49.900 đồng/hộp 10 quả, trứng gà Ba Huân 18.500 đồng/hộp 6 quả…
Chị Phạm Thị Dung, một đại lý trứng ở chợ Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, khoảng một tháng nay lượng trứng thu mua ở các trang trại chăn nuôi giảm mạnh, trong khi nhu cầu của thị trường tăng lên mạnh, khiến giá trứng tăng theo do giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh nên người chăn nuôi hạn chế tái đàn khiến lượng trứng gia cầm giảm.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân khiến trứng gia cầm tăng giá là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các thương lái cung ứng mặt hàng phải hạn chế đi lại, không vận chuyển được đủ số lượng trứng cho thị trường Hà Nội, dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến trứng gia cầm tăng giá, khi nhu cầu của thị trường tăng lên.
Bên cạnh đó, đại diện công ty cổ phần Ba Huân Hà Nội cũng cho biết, từ đầu quý II/2021 các công ty cung ứng thức ăn chăn nuôi như C.P, Cargill, ADM, Vina, BB Sun Việt Nam, ABC Việt Nam… đã liên tục tăng giá bán khoảng 20-30% so với quý I/2021.
Ngoài ra chi phí gián tiếp như vận chuyển, xăng dầu cũng nhích lên đã kéo theo giá thu mua trứng tại các trại chăn nuôi tăng tương ứng. Hơn nữa, thời tiết mùa hè nắng nóng làm sản lượng trứng gà đẻ bị giảm, đặc biệt do dịch bệnh và giá cả xuống thấp trong một thời gian dài, nên nhiều trang trại phá đàn để hạn chế lỗ vốn.
Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, với những thực trạng nêu trên đã khiến lượng trứng sản xuất ra giảm hơn so với trước, cung không đáp ứng được cầu nên việc tăng giá là điều khó tránh khỏi.
Giá rau củ quả tại TP Hồ Chí Minh tăng mạnh
Ngày 23/6, bà Thanh Hương (quận Bình Thạnh) bất ngờ khi giá rau xanh các loại tại chợ Bà Chiểu tăng sốc. Bầu bí, cà chua, dưa leo… đều từ 30.000 - 35.000 đồng/kg.
"Giá này tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với trước đây. Đi chợ, rau củ mà tăng cả 10.000 đồng/kg thì rất căng, bởi toàn những loại thường dùng trong bữa ăn. Tôi mua mỗi thứ nhiều hơn một chút để hạn chế đi chợ nên tính ra khá nặng tiền", bà Hương than.
Ảnh minh họa. (Internet)
Vài ngày qua, các chợ tự phát tại TP Hồ Chí Minh được cơ quan chức năng quyết liệt giải tán khi TP áp dụng Chỉ thị số 10 thắt chặt các biện pháp phòng dịch Covid-19. Nhiều khu vực chợ tự phát xung quanh chợ Bà Chiểu, chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) đều không còn hoạt động. Đó cũng là lúc giá mặt hàng rau củ quả tại các chợ nhích lên.
Một tiểu thương bán rau cải bên trong lồng chợ Bà Chiểu cho hay bầu, bí, dưa leo 30.000 đồng/kg; đậu que 45.000 đồng/kg, hầu hết đều tăng so với trước.
"Mấy hôm nay dịch dã, không có nhiều hàng, đầu mối họ tăng giá thì tôi cũng phải tăng giá thôi, chứ không phải muốn nói thách gì đâu", bà nói với khách.
Một tiểu thương bán trứng trên đường Vũ Tùng - lối dẫn vào chợ Bà Chiểu, cũng xác nhận trứng gà, trứng vịt đang hút khách, giá tăng nhẹ khoảng vài nghìn đồng/chục. Sau khi tăng, giá trứng gà khoảng 27.000 đồng/chục, trứng vịt 35.000 đồng/chục.
"Dịch dã, việc vận chuyển khó khăn nên giá trứng tăng nhẹ. Ra vô chợ bây giờ còn khó nói chi vận chuyển xa xôi từ tỉnh khác đến", nữ tiểu thương nói.
Thực tế, không riêng chợ truyền thống, những người bán tại chợ tự phát cũng "canh" không có cơ quan chức năng là lại bày hàng. Tan tầm, một số xe đẩy, xe ba gác lại tụ tập ở đầu đường Vũ Tùng, giá rau củ quả các loại cũng tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg so với trước đây. "Chờ cả ngày mới được bán có 1-2 tiếng đồng hồ, bán đâu có được bao nhiêu, chị thông cảm", anh Hòa nói.
Trái cây rớt giá
Khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), chợ Hà Đông (quận Hà Đông), chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm)… lượng hoa quả mùa Hè đổ về với số lượng khá nhiều và có giá rẻ hơn so với mọi năm.
Ảnh minh họa. (Internet)
Cụ thể, vải thiều có giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg; mận hậu Mộc Châu có giá từ 10.000 - 20.000 đồng/kg; xoài tròn Yên Châu 12.000 đồng/kg; xoài hạt lép Sơn La 12.000 đồng/kg… Tại nhiều trục đường như Hồ Tùng Mậu, Doãn Kế Thiện, Trần Cung, Đại lộ Thăng Long… hoa quả mùa Hè cũng được bán rong khá nhiều. Giá bán tại các xe hàng rong cũng rẻ hơn các sạp từ 2.000 - 5.000 đồng/kg.
Đặc biệt, trên các trang mạng xã hội, các loại hoa quả này cũng được rao bán khá rầm rộ. Do giá rẻ nên các chủ hàng thường kết hợp thành các combo để bán số lượng, như 110.000/10kg xoài Yên Châu; hoặc mận hậu Mộc Châu có giá 50.000 đồng/thùng 10kg; vải thiều Bắc Giang có giá 200.000 đồng/thùng 15kg...
Chị Phạm Thị Hường - tiểu thương bán hoa quả tại chợ Phùng Khoang cho biết, chưa có năm nào giá hoa quả lại rẻ như năm nay. Trung bình các loại hoa quả giảm giá khoảng 30%, thậm chí nhiều loại giảm tới một nửa giá so với mọi năm.
Theo chị Hường, nguyên nhân chính khiến hoa quả giảm giá bởi nguồn cung dồi dào, cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ ở các địa phương gặp khó khăn. “Do giá rẻ nên khách hàng thường mua với số lượng nhiều. Trung bình mỗi ngày, tôi bán ra trên 2 tạ hoa quả các loại”, chị Hường cho hay.
Tại vùng trồng vải thiều Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, thông thường mọi năm, địa phương này xuất khẩu sang Trung Quốc tới 90% lượng hàng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu vải gặp khó khăn, người dân buộc phải bán lẻ cho các lái buôn vận chuyển đi tiêu thụ tại các tỉnh.
Anh Lý Văn Lộc ở xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn cho biết, vụ vải năm nay, gia đình anh dự kiến thu hoạch 15 tấn quả. Thời điểm này, giá vải tươi tại Lục Ngạn chỉ dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Theo anh Lộc, so với năm ngoái, giá vải giảm khoảng 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, huyện Lục Ngạn hiện đang thực hiện giãn cách xã hội nên các hộ dân tại đây buộc phải chuyển đổi từ bán tươi sang sấy khô.
Theo tieudung.vn