Thông tin này được cập nhật công bố tại hội thảo “Cập nhật chẩn đoán và điều trị ung thư phổi” do Bệnh viện Thành phố Thủ Đức tổ chức với sự tham gia cập nhật kiến thức mới của các chuyên gia chuyên ngành trong và ngoài nước.
BSCK2 Nguyễn Lan Anh, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, cho biết ung thư phổi hay ung thư phế quản là một khối u ác tính phát triển từ biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc từ các tuyến của phế nang.
Các bác sĩ tham gia cập nhật kiến thức y khoa mới về điều trị ung thư phổi
Trên thế giới, hiện nay ung thư phổi đứng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp về cả tỉ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong. Ở nước ta, ung thư phổi xếp vị trí thứ 2 sau ung thư gan, với khoảng 23.600 người phát hiện mắc mới và 20.700 người tử vong mỗi năm.
Căn bệnh này cũng đứng hàng thứ nhất trong 10 loại ung thư thường gặp trên cả hai giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Căn nguyên gây tỉ lệ mắc và tử vong hàng đầu với thể ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm đến 85% các trường hợp.
Một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi cho người bệnh là hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, nghề nghiệp liên quan đến phóng xạ hoặc amiăng, yếu tố di truyền.
Hiện nay, với tiến bộ của y học nên việc chẩn đoán, điều trị và tiên lượng của bệnh ung thư phổi đã tốt hơn. Phát hiện sớm kết hợp với điều trị kịp thời có thể mang đến cho người bệnh cơ hội hồi phục thành công.
ThS.BS Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa Ung bướu Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, cho rằng xét nghiệm là chìa khóa điều trị căn bệnh nói trên. Các trung tâm lớn tại các TP lớn như TP HCM, Hà Nội có thể thực hiện các kỹ thuật phức tạp.
Tuy nhiên, việc xét nghiệm chưa được rộng rãi, bệnh phẩm phải được chuyển về các TP lớn, do đó có thể gây chậm trễ hoặc gián đoạn điều trị, nhất là trong giai đoạn bùng phát Covid-19, các yếu tố kỹ thuật sinh thiết, chi phí, BHYT, thời gian trả kết quả là rào cản tiếp cận điều trị.
THEO NGUYỄN THẠNH/NLĐ