Thủ tướng Phạm Minh Chính là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tiếp đón kể từ khi ông nhậm chức mới đây.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rời Hà Nội lên đường thăm chính thức Nhật Bản - Ảnh: VGP
Tham gia đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động nhất, trung tâm của các liên kết kinh tế mới. Nhật Bản đã tổ chức hai cuộc bầu cử lớn. Tân Thủ tướng Kishida Fumio là người có nhiều năm giữ chức Tổng Thư ký Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam, đã thăm Việt Nam ba lần và góp phần tích cực nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược sâu rộng vào năm 2014.
Về hợp tác kinh tế, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số 2 (tính theo số lũy kế), đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Về thương mại, hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Trong 9 tháng của năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 31 tỉ USD. Về đầu tư trực tiếp, lũy kế đến 20-9-2021, Nhật Bản có 4.748 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 63,85 tỉ USD (chiếm 15% tổng vốn đầu tư), đứng thứ 2 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay cho đến 12-2019 là 2.578 tỉ Yên (tương đương khoảng 23,76 tỉ USD, chiếm 26,3% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ).
Trao đổi với báo chí, ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam, đánh giá quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trong lịch sử với độ tin cậy cao giữa hai nước. Trên tinh thần đó, ông Shimizu Akira bày tỏ tin tưởng chuyến thăm chính thức Nhật Bản sắp tới của Thủ tướng Phạm Minh Chính chắc chắn sẽ giúp thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Là nhà tài trợ vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam, JICA sẵn sàng đóng góp vào mối quan hệ hữu nghị và sự phát triển của hai nước thông qua các hoạt động dựa trên cam kết giữa hai nhà lãnh đạo và hai Chính phủ.
Hai Thủ tướng có quan hệ thân thiết
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình cho biết một điều lý thú là tuy Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Fumio Kishida đều mới nhận nhiệm vụ đứng đầu Chính phủ hai nước nhưng cả hai vị đều đã quen biết và thân thiết với nhau trong mối quan hệ giữa 2 tổ chức nghị sĩ hữu nghị của hai nước: Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng là Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt-Nhật, còn Thủ tướng Kishida đã là thành viên và Tổng thư ký của Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt trong hàng chục năm.