Tình trạng xuống cấp và cải tạo các khu chung cư cũ được nêu ra nhiều tại Hội nghị toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản sáng 20/4.
Trong phần báo cáo, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc cải tạo chung cư cũ đang vô cùng chậm chạp khi hiện mới mới đạt dưới 3%. Nhiều chung cư đã xuống cấp rất nguy hiểm, trong khi những người sống ở đó thường có điều kiện kinh tế khó khăn. Để đẩy nhanh tốc độ cải tạo, thời gian tới, theo ông cơ quan nhà nước cần đứng ra chủ trì thay vì triển khai theo hình thức xã hội hóa vốn không hài hòa được lợi ích của các bên.
Ông cũng lấy ví dụ, vài năm trước, Tổng hội đã nhiều lần đề nghị dành quỹ đất tại khu Giảng Võ để tổ chức tái định cư tại chỗ cho người dân sống ở khu Thành Công, Giảng Võ.... Như vậy, việc cải tạo chung cư cũ sẽ dễ dàng tiến hành, không gây chậm chạp. Tuy nhiên, kiến nghị này không được tiếp thu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị sáng 20/4. Ảnh: VGP.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM kiến nghị sửa đổi quy định chỉ cần tối thiểu bốn phần năm (khoảng 80%) chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư mới là việc triển khai sẽ được thông qua. Theo ông, quy định 100% cư dân đồng thuận như hiện nay là điều không thể.
Theo ông, điều khoản này cũng nhằm đảm bảo quyền lợi của tất cả chủ sở hữu nhà chung cư bị phá dỡ để xây dựng lại được đảm bảo như nhau. Trên cơ sở đó, công tác phá dỡ chung cư cũ, xây dựng lại chung cư mới kết hợp với chỉnh trang đô thị được tiến hành thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, ông đề xuất, để sớm lựa chọn nhà đầu tư, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cần được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư. Các dự án được áp dụng có thể là nhà chung cư cũ đang trong tình trạng hư hỏng nặng có nguy cơ sụp đổ, không còn bảo đảm an toàn cho người sử dụng (cấp C), và nhà chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ trong thời gian ngắn (cấp D).
Về vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh số liệu cho thấy 97% chung cư cũ chưa được cải tạo là rất đáng lưu ý với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, TP HCM.
“Các đồng chí lưu ý để có cơ chế, đừng để cháy nhà rồi, chết người, đổ sập nhà rồi mới đặt vấn đề cải tạo chung cư. Trong khi đó đây hầu hết đều là các đối tượng chính sách, người khó khăn hoặc có công nhưng phải sống chật chội, khó chịu hay bẩn thỉu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, hạn chế này một phần có sự phối hợp giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương còn bất cập, do cơ chế.
Tại hội nghị, bên cạnh vấn đề cải tạo chung cư cũ, những vướng mắc trong đầu tư xây dựng cơ bản cũng được nhiều Bộ, ngành đề cập, chỉ rõ.
Về hệ thống pháp luật về xây dựng hiện hành, theo Thủ tướng, hiện số lượng rất lớn với 12 luật, hơn 100 nghị định, hàng trăm thông tư hướng dẫn, “nhiều đến mức độ không thể nhớ hết”. Sự chồng chéo trong quản lý và các văn bản pháp lý liên quan được coi là rào cản lớn nhất trong công tác đầu tư xây dựng.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ, ngành, doanh nghiệp tham gia nói thẳng những thông tư, nghị định nào làm ảnh hưởng đến tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia để tháo gỡ.
“Chúng ta cần gỡ cái này, nhất là trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ cần sửa đổi bổ sung thì các đồng chí kiến nghị sớm hơn để giải quyết, cụ thể là gì”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh thủ tục giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản cũng còn nhiều khâu ách tắc trong khi đã bước sang quý II của năm 2018.
Ngoài ra, theo người đứng đầu Chính phủ còn tình trạng cơ quan chức năng "ngâm" hồ sơ đầu tư xây dựng, sợ trách nhiệm và đề nghị cần mạnh dạn chỉ ra cơ quan nào, đơn vị nào và cần sửa cái gì để tháo gỡ.
Nguyễn Hà/Vnexpress