Hồi ký do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh tái bản bổ sung năm 2018 và Thành đoàn Thành phố tổ chức giới thiệu rộng rãi đến bạn đọc trẻ tuổi. Tác giả Nguyễn Long Trảo, sinh năm 1932, nguyên Phó chánh văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh, quê chính ở xã Mỹ Trà, huyện Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp), tham gia Đội Thiếu niên tiền phong từ năm 1945. Chia sẻ về tên của hồi ký “Khi Tổ quốc gọi”, ông Nguyễn Long Trảo cho biết do ông đi theo cách mạng khi chưa tròn 18 tuổi cũng từ tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Đối mặt với những khó khăn, gian khổ trong quá trình hoạt động cách mạng, chính tình yêu Tổ quốc giúp ông vượt qua tất cả.
Tác giả Nguyễn Long Trảo giao lưu với bạn đọc về tác phẩm.
Ông Trảo tâm sự: “Năm 2013, tôi mắc bệnh hiểm nghèo, cơ thể yếu. Lúc đó, con gái Bạch Dương khuyên tôi nên viết hồi ký. Tôi cũng lúng túng: “Biết viết gì đây?”. Và rồi, cuốn hồi ký là những gì tôi chứng kiến trong suốt cuộc đời mình”. Hồi ký được chia thành 4 phần theo chủ đề: Tuổi trẻ từ Đồng Tháp Mười đến thành phố mang tên Bác Hồ; Khi Tổ quốc gọi; Ra đi để có ngày trở về; Miền Nam gọi chúng tôi trở về. Xuyên suốt hồi ký là một bức tranh sống động, khắc hoạ đậm nét đất và người Nam Bộ, là chính cuộc đời tác giả từ khi đất nước còn bị xâm lược cho đến khi đất nước đã hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội, không gian trải dài từ mặt trận miền Đông đến miền Tây, từ Nam ra Bắc. Đó là những câu chuyện thú vị khi tác giả đi học tại khóa đầu tiên phân hiệu Nam Bộ của Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, tập kết ra Bắc, hay chuyện vừa học tiếng vừa làm phiên dịch khi đi học tập tại Trung Quốc, và trở thành một cán bộ kỹ thuật giỏi ngành quân khí… Dù ở hoàn cảnh nào, ở tác giả vẫn vẹn nguyên lòng yêu nước sâu sắc, mong muốn được học tập giỏi, được chiến đấu đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng đất nước.
Bạn Hà Phương Vi, đoàn viên Quận đoàn Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh tâm sự: "Đọc hồi ký “Khi Tổ quốc gọi”, tôi thấy rất cảm động và đã rút ra nhiều bài học cho bản thân về chí hướng, rèn luyện bản lĩnh của người trẻ, sự kiên cường, dũng cảm đối mặt và vượt qua thách thức. Hơn hết chính là tình yêu quê hương, đất nước, đồng chí, đồng đội luôn yêu thương, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và chiến đấu”. Chia sẻ với thế hệ tương lai của đất nước, tác giả Nguyễn Long Trảo nhắn nhủ, ở mỗi giai đoạn lịch sử thì tình yêu nước của mỗi người sẽ thể hiện bằng những việc làm khác nhau. Ở thời bình, việc chăm chỉ học tập, lao động, có đạo đức trong sáng, yêu thương những điều gần gũi xung quanh, nỗ lực cống hiến cho xã hội đã là việc làm yêu nước thiết thực.
Cảm nhận về hồi ký, đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cho rằng: “Hồi ký đã mang đến cho thế hệ trẻ hôm nay những câu chuyện gần gũi, bình dị, chân thật về những hy sinh gian khổ của một thế hệ anh hùng, bất khuất đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đó là bài học quý giá về lý tưởng cách mạng để tuổi trẻ hôm nay tiếp tục nỗ lực học tập, lao động, phấn đấu cống hiến xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn, xứng đáng với những hy sinh của thế hệ cha anh đi trước”.
Bài và ảnh: THƯ LÊ/QĐND