Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) chỉ ra rằng dịch Covid-19 đang làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. Người tiêu dùng tiến hành mua sắm trực tuyến nhiều hơn, số người chọn hình thức mua sắm trực tuyến tăng nhanh trong nửa đầu năm 2021, khi dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp và lan rộng.
Giảm tần suất ra ngoài mua sắm
Khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi nhiều trong hơn 1 năm qua, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Đại đa số người tiêu dùng hướng đến lối sống có lợi cho sức khỏe, ưu tiên chọn những mặt hàng thiết yếu (đặc biệt là thực phẩm), sản phẩm giúp chăm sóc sức khỏe, tăng sức đề kháng... Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy trong các tháng đầu năm, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng lương thực tăng 4,51% so với năm trước, các mặt hàng thực phẩm thì tăng 12,28% so với năm trước, trong đó riêng giá thịt heo tăng 57,23%, giá thuốc và thiết bị y tế tăng 1,35%.
Hành vi mua sắm cũng thay đổi, các hoạt động mua sắm bên ngoài như siêu thị, cửa hàng hay chợ truyền thống được người tiêu dùng giảm thiểu tối đa; thay vào đó là xu hướng tăng cường và tập trung hơn cho những chi tiêu có thể thực hiện tại nhà.
Tại thị trường TP HCM, từ đầu tháng 6 đến nay, chính quyền áp dụng giãn cách xã hội theo các chỉ thị của Chính phủ và UBND TP, doanh nghiệp lẫn người dân liên tục được khuyến khích mua hàng trực tuyến để giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, tập trung đông người không cần thiết, mua sắm online càng tăng mạnh. Đặc biệt, trong những ngày gần đây, TP HCM dẹp hẳn chợ tạm, chợ tự phát, nhiều khách hàng lâu năm của chợ tự phát mất chỗ mua thực phẩm đã chuyển sang mua sắm ở chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng.
Nhân viên Co.op Food soạn đơn theo yêu cầu mua sắm trực tuyến của khách hàng
Chị Nguyễn Hà Ngân - ngụ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân - đã trở thành khách hàng thường xuyên của dịch vụ đặt hàng qua app của siêu thị Co.opmart trong hơn 2 tuần nay. "Trước đây, tôi chủ yếu mua thực phẩm tại chợ gần nhà, vì thói quen, cũng vì ủng hộ những người bán hàng đã quen biết nhiều năm nhưng dịch bùng mạnh ở quận Bình Tân, chợ đóng cửa vì dính F0, chợ tự phát thì không được hoạt động, mấy cửa hàng, siêu thị gần nhà cũng lần lượt bị giăng dây. Đi tìm siêu thị ở xa thì bất tiện nên tôi chuyển sang đặt hàng qua điện thoại hoặc qua app, sáng đặt chiều nhận hàng khá thoải mái" - chị Ngân chia sẻ.
Tận dụng kênh mua hàng trực tuyến
14 giờ ngày 24-6, chị Đỗ Ngọc Thủy (ngụ đường Bình Đăng, quận 8) nhận điện thoại của nhân viên giao hàng từ cửa hàng Co.op Food Bình Hưng (Bình Chánh) báo đang đứng trước cửa nhà chờ giao hàng. Ngay lập tức, chị mở cửa, kiểm tra giỏ hàng gồm 1 vỉ nấm bào ngư xám, 1 bó rau muống, 1 trái bầu, nửa ký cà rốt, 1 kg khoai lang, nửa ký xương sống heo, 1 bịch nước giặt, 1 bịch nước xả vải... trước khi nhận và tiến hành thanh toán. "Tôi đặt trên Facebook qua địa chỉ https://www.facebook.com/coopfood.vn, mới đặt lúc 11 giờ mà giờ đã giao là khá nhanh" - chị Thủy hài lòng cho biết đây là lần thứ 2 kể từ đầu tuần đến giờ chị đặt Co.op Food giao hàng tận nhà. Công ty chị đã cho nhân viên làm việc tại nhà từ 2 tuần nay, hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền TP, chị hạn chế tối đa việc đi ra ngoài, cần dùng gì đều điện thoại đặt hàng hoặc tìm mua trên mạng, Zalo, MoMo...
Ghi nhận từ Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), đơn hàng online của những thương hiệu phân phối trực thuộc đơn vị này trong những ngày gần đây tăng vọt. Đơn cử, lượng đặt hàng qua kênh mua sắm trực tuyến của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra tăng từ 3-4 lần. Riêng tại chuỗi cửa hàng Co.op Food, lượng khách đến mua sắm tại gần 300 của hàng Co.op Food ở TP HCM tăng nhẹ quanh mức 20% từ ngày 22-6. Tuy lượng khách đến các cửa hàng thực phẩm Co.op Food không tăng nhiều nhưng lượng đặt hàng qua điện thoại, online tại các Co.op Food đã tăng gấp 3-5 lần so với tuần trước.
Thời điểm này, các cửa hàng thực phẩm Co.op Food được người dân ưu tiên lựa chọn nhiều nhờ vào mạng lưới phủ rộng hầu hết các khu dân cư rất thuận lợi, cùng với hàng hóa tương đối đa dạng và giao hàng nhanh. Để đáp ứng lượng đơn hàng qua điện thoại tăng cao, Co.op Food đã điều chuyển tăng cường nhân sự tiếp nhận đơn hàng, bổ sung rất nhiều nhân viên ngành hàng trực tiếp soạn đơn hàng cho khách và tăng thêm nhân viên giao hàng. Một số nhân viên cũng tình nguyện trở thành shipper để giao hàng cho kịp hẹn với khách.
Đặt biệt là giao hàng cho các khu cách ly, thường các shipper chuyên nghiệp có tâm lý e ngại giao hàng đến các khu vực này nên nhân viên Co.op Food phải trực tiếp giao hàng.
Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 10 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP, Sở Công Thương TP HCM yêu cầu các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP tăng cường cung cấp đầy đủ hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hàng trên quầy kệ; nghiên cứu, tăng cường hoạt động và có chính sách khuyến khích mua hàng trực tuyến để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân, giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, tập trung đông người không cần thiết.
Co.opmart bảo đảm hàng hóa đầy đủ, giá bình ổn
Sở Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị căn cứ thực tế diện tích lối đi, điểm bán, khả năng đón khách của từng siêu thị, cửa hàng để thực hiện giãn cách tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng; điều tiết số lượng khách ra vào siêu thị phù hợp, không để tập trung đông người tại quầy thu ngân, cửa ra vào và khu vực dịch vụ. Trường hợp lượng khách đồng loạt vào mua sắm đông và liên tục, cần thực hiện chia theo từng đợt, mỗi đợt không quá 20 người. Tất cả nhân viên và khách hàng phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế ...