Những ai đang làm nhượng quyền thực phẩm và đồ uống (F&B) cứ làm tốt mô hình kinh doanh của mình vì người tiêu dùng luôn có nhu cầu ăn mặc, ngủ nghỉ… nhưng ngành dịch vụ mới là tương lai của nhượng quyền.
Dồn dập cơ hội
Tại hội chợ Bán lẻ và Nhượng quyền 2018 vừa diễn ra cuối tuần qua tại TP HCM, rất nhiều doanh nghiệp (DN) đã tìm thấy cơ hội hợp tác và kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp muốn dùng nhượng quyền làm bệ phóng để tiến nhanh và xa Ảnh: NGÔ HẬU
Chị Lê Thị Ngọc Thủy - người sáng lập Viva Star cà phê, lần đầu tiên tham dự hội chợ - cho biết rất nhiều đối tác, nhà kinh doanh đến đặt vấn đề xin nhượng quyền thương hiệu. Mới sang ngày thứ hai mà hơn nửa cuốn sổ tay ghi chép của chị đã kín thông tin liên lạc của những người muốn mua nhượng quyền. "Viva Star sẽ tập hợp thông tin, sau hội chợ sẽ gặp gỡ trao đổi kỹ hơn với từng đối tác" - chị Thủy nói.
Tương tự, chị Nguyễn Tuyết Nhung - CEO thương hiệu Nana (chuyên các sản phẩm thuần Việt như bánh cuốn, xôi xéo, bánh tẻ…) - cho hay nhiều nhà kinh doanh đã đặt vấn đề nhượng quyền chứng tỏ nhu cầu là có thật; người bán - người mua đều mong muốn làm sao có thể triển khai kinh doanh nhanh và hiệu quả nhất. "Là dân tài chính nhưng tôi có đam mê sâu đậm với ngành F&B. Tôi sẽ làm việc kỹ với từng nhà kinh doanh để tìm đúng những người thật sự quan tâm, muốn khai thác mô hình kinh doanh này" - chị chia sẻ tại buổi trao đổi với các nhà đầu tư.
Trong khi đó, Phát Thành cà phê, một thương hiệu mới, đã gây ngạc nhiên bởi đứng ngang hàng với "ông lớn" Nestlé trong hội chợ. Đây là thương hiệu cà phê từ tứ giác Long Xuyên và muốn phát triển nhượng quyền. Nhiều thương hiệu trà sữa, cà phê, bánh ngọt lẫn dụng cụ phục vụ cho kinh doanh bar, cà phê, nhà hàng của nước ngoài lẫn trong nước cũng đã nhìn thấy cơ hội để tiếp cận khách hàng. Đáng lưu ý, các hiệp hội nhượng quyền Maylaysia, Hàn Quốc, Đài Loan… cũng đã tranh thủ xuất hiện tại hội chợ để quảng bá cho doanh nghiệp của họ.
Nhượng quyền dịch vụ sẽ "lên ngôi"
Nếu như trước đây, các mô hình kinh doanh nhượng quyền thường được nhìn thấy rõ ràng và nhiều nhất là các mô hình kinh doanh ẩm thực thì hiện nay xu hướng này đang có sự dịch chuyển sang các mô hình dịch vụ.
Một doanh nhân từng đi nhiều hội chợ quốc tế về nhượng quyền cho biết gần đây nhất khi bà tham gia hội chợ nhượng quyền của Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi, chỉ có 20% thương hiệu nhượng quyền là F&B, 80% còn lại là các mô hình nhượng quyền trong ngành dịch vụ và có liên quan đến công nghệ.
Lý giải cho sự dịch chuyển này, vị doanh nhân này cho biết công nghệ trên thế giới đang phát triển rất nhanh, con người càng không có nhiều thời gian cho bản thân thì những loại dịch vụ giúp tiết kiệm thời gian, tiện lợi và chú trọng đến sức khỏe càng phát triển.
Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Retail & Franchise Asia, Top 10 thương hiệu nhượng quyền mới trên thế giới 2018 đều thuộc ngành dịch vụ, các thương hiệu F&B đã "rớt" khỏi danh sách. Chẳng hạn dịch vụ sửa chữa gia đình của uBreakiFix (có trên 300 cửa hàng từ năm 2017); dịch vụ nối, bảo trì lông mi Amazing Lash Studio (năm 2018 đã có 181 studio ở Mỹ), dịch vụ cho thuê, sửa xe đạp Velofix (có trên 110 cửa hàng nhượng quyền ở 26 quốc gia), dịch vụ vật lý trị liệu tại nhà của Fyzical Therapy (có 269 điểm ở Mỹ), dịch vụ sửa chữa khóa của The Flying Locksmiths (trong năm 2018 đã mở ra 73 địa điểm ở Mỹ)… Tất cả đều cho thấy người tiêu dùng đang bận rộn hơn và dịch vụ nào đáp ứng được sự tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chăm sóc sức khỏe… sẽ có nhiều cơ hội hơn.
THIÊN THANH/NLĐ