Ngày 24/5, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp để làm rõ và tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện.
Mục tiêu là đưa các dự án vào vận hành trong thời gian sớm nhất có thể, đồng thời đảm bảo các quy định pháp luật.
Theo thông tin cập nhật đến ngày 24/5, có 37/85 dự án năng lượng tái tạo chưa có giá gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EVNEPTC) để phục vụ quá trình đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện.
Đối với 48 dự án còn lại chưa gửi hồ sơ, EVNEPTC cũng đã có văn bản đề nghị các chủ đầu tư tiếp tục gửi, cung cấp các hồ sơ tài liệu dự án phục vụ cho công tác đàm phán, thỏa thuận giá điện.
Qua quá trình rà soát hồ sơ, đàm phán và căn cứ cơ sở Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại thông báo số 182/TB-VPCP ngày 17/5/2023, trong số 37 dự án đã gửi hồ sơ thì đến ngày 24/5, EVN nhận được đề nghị áp dụng giá tạm của 24 dự án.
Hai bên đã họp và thống nhất giá mua điện tạm (chưa bao gồm thuế VAT) bằng 50% giá trần của khung giá phát điện cho từng loại hình nhà máy điện quy định tại Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương. Giá mua điện chính thức và việc quyết toán tiền điện sẽ thực hiện theo hướng dẫn/quyết định của cấp có thẩm quyền.
Cụ thể, có 19 dự án/hoặc một phần dự án (bao gồm: các nhà máy điện gió Nam Bình 1, VPL Bến Tre, Yang Trung, Chơ Long, Hưng Hải Gia Lai, Lạc Hòa 2, Hòa Đông 2, Viên An, Hanbaram, Hướng Hiệp 1, Tân Phú Đông, Hiệp Thạnh, Ia Le 1, Hướng Linh 7; các nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3, Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3 và nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận (450MW) với công suất tổng cộng 1.347MW đã được Bộ Công Thương phê duyệt, thông qua giá tạm. EVNEPTC và chủ đầu tư đang phối hợp để sớm ký kết hợp đồng mua bán điện.
Có 1 dự án (Điện gió Nhơn Hội giai đoạn 2, công suất 30MW) hoàn thành đàm phán, đang hoàn thiện thủ tục để sớm trình Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm.
Có 4 dự án (các nhà máy điện gió: Số 5 - Thạnh Hải 2, 3, 4 và Cầu Đất) với công suất tổng cộng 154MW, EVNEPTC và chủ đầu tư vừa tiến hành đàm phán vừa tiếp tục rà soát hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, chia sẻ: EVN rất muốn các chủ đầu tư dự án điện tái tạo hợp tác với tập đoàn, đơn vị mua điện để sớm đưa các nhà máy thuộc đối tượng chuyển tiếp vào vận hành, phát lên lưới điện.
"Hiện nay có 20 nhà máy thống nhất giá tạm với EVN, được Bộ Công Thương thông qua. Các nhà máy còn lại được chúng tôi mời đến hôm nay là để lắng nghe có gì vướng mắc không, sớm xúc tiến các thủ tục để thực hiện giá tạm như 20 nhà máy trên".
EVN đề nghị chủ đầu tư phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ đàm phán, đặc biệt là các hồ sơ pháp lý. Bố trí cán bộ làm việc với EPTC. EPTC đã thành lập nhiều tổ đàm phán, sẵn sàng trao đổi và hướng dẫn giải quyết các vấn đề vướng mắc cho tất cả các nhà đầu tư.
Tập đoàn cũng đề nghị chủ đầu tư phối hợp với EPTC và đơn vị vận hành hệ thống điện để thực hiện ngay công tác thí nghiệm và thử nghiệm của nhà máy điện; khẩn trương tổ chức nghiệm thu và mời các đơn vị liên quan vào nghiệm thu; khẩn trương hoàn thành các thủ tục và gửi hồ sơ COD theo quy định của PPA đã ký kết.
"EVN cam kết sẽ triển khai ngay lập tức việc đàm phán giá điện chính thức và thực hiện quyết toán tiền điện sau khi có hướng dẫn của cấp có thẩm quyền", đại diện EVN chia sẻ.
Theo Vietnamnet