Thẻ ngân hàng cùng các dịch vụ đang ngày càng phổ biến nhờ những tiện ích mà nó mang lại trong đời sống sinh hoạt, tiêu dùng và kinh doanh của người dân. Song càng thêm dịch vụ thì lại càng nhiều loại phí, nhiều khách hàng thậm chí còn không biết vì sao lại bị trừ tiền dù cả tháng, cả năm không thực hiện giao dịch gì.
Theo thống kê của NHNN, số lượng thẻ đã phát hành lũy kế tính đến cuối quý IV/2017 đã lên tới 132 triệu thẻ, tăng thêm 19% so với hồi đầu năm. Với khoảng 70 triệu dân có độ tuổi trên 15 tuổi hiện nay, trung bình mỗi người dân sở hữu khoảng 2 thẻ ngân hàng. Số lượng phát hành thẻ ngày càng tăng, các dịch vụ cũng ngày càng đa dạng và được sử dụng nhiều hơn, khách hàng có nhiều lựa chọn song cũng vô cùng hoang mang giữa bạt ngàn các loại phí.
Thực tế quan sát cho thấy, có những người đặc biệt là dân cư thành thị có thể sở hữu tới 4-5 cái thẻ. Sở hữu nhiều thẻ nhưng không nắm được mức phí dịch vụ, lại không sử dụng, theo dõi số dư thường xuyên, nhiều khách hàng không khỏi "hoảng hốt" khi đến lúc truy vấn số dư mới phát hiện tiền không biết bay đi đâu mất dù không giao dịch. Khi tìm hiểu và hỏi nhân viên ngân hàng, khách hàng lại hoang mang thêm lần nữa giữa một rừng các loại phí khó mà có thể nhớ nổi.
Hiện nay, một khách hàng mở tài khoản thường sẽ được ngân hàng tư vấn sử dụng thêm các dịch vụ tiện ích khác như SMS Banking, Internet Banking hay Mobile Banking. Mỗi dịch vụ này lại có tới cả loạt phí như phí đăng ký, phí duy trì, phí chuyển tiền nội/ngoại mạng, phí chấm dứt dịch vụ, phí thiết bị token key, …Tính ra, mỗi chủ thẻ có khi phải chịu đến 25-30 loại phí khác nhau.
Mức phí dịch vụ thẻ cho khách hàng cá nhân ở các ngân hàng cũng muôn hình muôn vẻ. Hiện nay, các loại phí cơ bản đối với dịch vụ này có phí phát hành, phí duy trì, phí rút tiền tại máy ATM, phí chuyển tiền tại máy ATM, phí cấp lại Pin, phí phát hành lại, phí vấn tin, …… Đối với phí phát hành, có ngân hàng miễn phí, có ngân hàng thu tới 50.000-100.000 đồng/thẻ. Đối với thẻ Visa hay Master, phí phát hành có thể lên đến 200.000 đồng/thẻ.
Với SMS Banking, dịch vụ rất được quan tâm gần đây, được đánh giá là rất cần thiết và quan trọng thì mức phí khá là "chát". Phí cho SMS Banking bao gồm phí đăng ký dịch vụ, phí duy trì hàng tháng, phí chấm dứt dịch vụ, phí chuyền tiền, phí nhận tin nhắc nợ,….
Hầu như tại các ngân hàng khách hàng sẽ không phải mất phí khi đăng ký sử dụng, song để duy trì dịch vụ thì mức tiền phải trả hàng tháng thường là 8.800-11.000 đồng, hoặc thậm chí là đến 16.500 đồng. Tính cả năm, chủ tài khoản sẽ phải mất 100.000-200.000 đồng để duy trì dịch vụ. Ngoài ra, nếu muốn hủy dịch vụ, không nhận tin nhắn biến động tài khoản nữa, khách hàng có thể sẽ còn mất thêm 10.000 đồng để chấm dứt theo quy định ở một số ngân hàng.
Phí của SMS Banking vẫn chưa là gì so với Internet Banking – dịch vụ tiện ích thì đúng là rất tiện nhưng phí có thể lên đến hàng trăm nghìn đồng một tháng cho nhu cầu sử dụng cơ bản. Để cạnh tranh, hiện có không ít ngân hàng miễn phí dịch vụ duy trì như BIDV, Vietcombank, VIB,…. Còn lại chủ yếu niêm yết mức phí này ở mức 100.000-130.000 đồng/năm.
Phí phát sinh nhiều ở Internet Banking hiện nay là các giao dịch chuyển tiền. Trong khi có những ngân hàng miễn phí toàn bộ giao dịch chuyển khoản nội mạng như ACB, TPBank, Techcombank,…thì các ngân hàng còn lại như Vietcombank, BIDV, MB thu từ 1.100 -9.900 đồng/ giao dịch.
Chuyển tiền ngoại mạng còn đắt hơn, ngoại trừ Techcombank hiện nay đang miễn phí ra thì hầu hết đều đang thu mức phí khá cao, thay đổi tùy theo số tiền giao dịch. Với những khoản tiền bé từ 2 triệu đến 20 triệu, mức phí chuyển khoản dao động từ 6.600 đồng – 11.000 đồng/giao dịch. Còn những khoản tiền lớn như 200 triệu, phí phải trả có thể sẽ lên đến 44.000 đồng (VIB, Vietcombank,…).
Như vậy, với một tài khoản kể cả không có giao dịch gì trong một tháng cũng sẽ bị thu từ 25.000-35.000 đồng phí duy trì hàng tháng. Còn với một tài khoản có nhu cầu sử dụng các dịch vụ ở mức cơ bản như truy vấn số dư, rút tiền 2-3 lần/tháng, chuyển tiền internet banking 2-3 lần/tháng (số tiền giao dịch nhỏ),.... thì mức phí phải nộp lại cho ngân hàng sẽ lên đến 50.000-70.000 đồng/tháng. Cả năm có thể sẽ mất tới 600.000-840.000 nghìn đồng.
Một số ngân hàng, sau nhiều năm miễn phí để thu hút và tạo thói quen sử dụng dịch vụ cho khách hàng thì gần đây đã bắt đầu thu phí hoặc nâng một số loại phí lên. Các nhà băng thường đưa ra lý do là để đầu tư công nghệ, nâng cao tiện ích cho các dịch vụ song dường như câu trả lời chưa thực sự làm thỏa mãn khách hàng. Mức phí quá cao trong khi thu nhập người dân còn thấp đang phần nào làm cản trở xu hướng chuyển đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân.