Mục tiêu chiếm lĩnh 40% thị phần điện máy
Năm 2019, Ban lãnh đạo MWG cho biết sẽ mở thêm cửa hàng mới (chủ yếu là Điện máy xanh - ĐMX và ĐMX mini), chuyển đổi cửa hàng từ Thế giới di động thành ĐMX/ĐMX mini và từ ĐMX mini lên ĐMX. Dự kiến, số lượng cửa hàng ĐMX và ĐMX mini tăng thêm từ mở mới và chuyển đổi là 150.
Các cửa hàng sau chuyển đổi được kỳ vọng tăng trưởng doanh thu trung bình 50% so với trước. Tổng số cửa hàng Thế giới di động và ĐMX dự kiến cuối năm 2019 là 1.900. Các cửa hàng sau khi thay đổi trưng bày được kỳ vọng tăng trưởng doanh thu trung bình 30%, trong khi chi phí thuê mặt bằng và các chi phí vận hành khác hầu như không thay đổi.
Hoạt động trên nhắm tới mục tiêu ngành hàng điện máy chiếm khoảng 40% thị phần, là động lực tăng trưởng chính của MWG trong khi ngành hàng điện thoại duy trì thị phần dẫn đầu. Cuối năm 2018, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG cho biết, Công ty đang có 35% thị phần thị trường điện máy và sẽ chiếm 45 - 50% thị phần trong 24 tháng tới, với khoảng 900 siêu thị.
Sau chuyển đổi, cửa hàng TGDĐ được xem là cửa hàng ĐMX, doanh thu sau chuyển đổi được tính trong doanh thu chuỗi ĐMX. Các cố liệu tổng hợp của ĐMX đã bao gồm số liệu của TAG
Xét theo chuỗi cửa hàng, doanh thu từ ĐMX chiếm tỷ trọng cao nhất với 55% tổng giá trị bán lẻ của MWG, tiếp theo là Thế giới di động với 40% và chuỗi Bách hóa xanh với 5%. Xét theo góc độ ngành hàng, nhóm sản phẩm điện thoại đang đóng góp gần 53% tổng doanh thu, nhóm sản phẩm điện máy 37%, nhóm thực phẩm và hàng tiêu dùng 5%, dịch vụ khác 5%.
Do đó, việc chuyển đổi của MWG được cho là chiến lược linh hoạt để tối ưu hóa mặt bằng và doanh thu trong giai đoạn thị phần của MWG trong ngành điện thoại di động tương đối cao, dư địa tăng trưởng không còn nhiều. Công ty Chứng khoán Vietcombank cho rằng, ĐMX có thể giành thị phần từ các chuỗi bán lẻ khác như Nguyễn Kim, Chợ Lớn.
Bách Hóa Xanh bao giờ có lãi?
Về dài hạn, Bách hóa xanh được xem là nhân tố quyết định sự tăng trưởng của MWG. Sau hơn 2 năm "thử và sai", đến cuối 2018, chuỗi này đã đạt mục tiêu hòa vốn EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) tại cửa hàng.
Ban lãnh đạo MWG cho biết, năm 2019 sẽ là năm xây dựng nền móng quan trọng nhằm đảm bảo cho chuỗi nhân rộng mạnh mẽ trên toàn quốc. Dù đóng góp giá trị trong tổng doanh thu của MWG chưa lớn, ngành hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng được kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất.
Mục tiêu cần đạt được trễ nhất cuối tháng 12/2019 là chuỗi này bắt đầu có lợi nhuận trực tiếp, tức là bù đắp được tất cả các chi phí hoạt động tại cửa hàng và các trung tâm phân phối, nhưng chưa bao gồm các chi phí ở cấp độ Công ty.
MWG sẽ tăng tốc mở rộng chuỗi thương hiệu Bách hóa xanh, dự kiến vận hành hơn 700 cửa hàng cuối năm 2019 và thử nghiệm để chuẩn hóa mô hình siêu thị cho thị trường tỉnh, đẩy mạnh mở rộng ở khu vực Miền Tây và Đông Nam Bộ.
Tính đến cuối năm 2018, giá gốc đầu tư của MWG vào chuỗi Bách hóa xanh là 2.629 tỷ đồng, tăng thêm 2.000 tỷ đồng trong năm 2018. Thị trường thực phẩm với quy mô trên 50 tỷ USD, mức tăng trưởng 10%/năm có độ phân mảnh rất cao khi 8.500 chợ truyền thống và 1,4 triệu tạp hóa đang chiếm 90% thị phần, đây là miếng bánh mà chuỗi Bách hóa xanh cần chiếm lĩnh.
Tuy một số công ty chứng khoán như Rồng Việt, ACBS… đánh giá cao triển vọng chuỗi Bách hóa xanh, nhưng thách thức phát triển chuỗi này vẫn còn lớn, trước hết là câu chuyện tìm kiếm mặt bằng và khả năng cạnh tranh với các “ông lớn” như CoopFood, SatraFood, Vinmart+...
Năm 2019, MWG đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất đạt 108.468 tỷ đồng, lợi nhuận 3.571 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 24% so với năm 2018.