"Dù 10.000 ca tử vong mỗi tháng vẫn ít hơn nhiều so với đỉnh dịch, mức tử vong có thể phòng ngừa này là không thể chấp nhận được", Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu ngày 11/1.
Số ca nhập viện trong tháng này cũng tăng 42% ở 50 quốc gia, chủ yếu ở châu Âu và châu Mỹ. Số người phải vào khu hồi sức tích cực tăng 62% so với tháng 11.
Ông Tedros cho biết JN.1 đã trở thành biến chủng lưu hành mạnh nhất trên khắp thế giới. Ông gần như "chắc chắn" số ca nhiễm cũng tăng tại nhiều nước khác, nhưng không được báo cáo. Người đứng đầu cơ quan y tế Liên Hợp Quốc kêu gọi chính phủ các nước tiếp tục giám sát và điều trị các ca nhiễm.
"Mọi người nên tiêm chủng, xét nghiệm, đeo khẩu trang khi cần thiết và đảm bảo thông gió không gian đông đúc trong nhà", ông nói.
Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO, cho biết bên cạnh Covid-19, các ca nhiễm bệnh đường hô hấp nói chung như cúm, RSV và viêm phổi cũng gia tăng.
Các chuyên gia cho biết dịch bệnh tăng có thể do thời tiết, nhu cầu đi lại và tiếp xúc mùa lễ hội, trong khi miễn dịch cộng đồng suy giảm do hầu hết người dân không còn đeo khẩu trang, quá ít người đi tiêm chủng trong mùa này.
Theo tiến sĩ Michael Ryan, người đứng đầu bộ phận cấp cứu của WHO, người dân cần tiêm vaccine và đeo khẩu trang bởi tiêm vaccine có thể làm giảm đáng kể khả năng nhập viện hoặc tử vong.
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu cũng đang cân nhắc ban hành lại quy định đeo khẩu trang ở nơi đông người hoặc các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Tại khu vực này, bệnh cúm lây lan theo mùa như thường lệ, nhưng trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở một số quốc gia. Số ca mắc và nhập viện vì Covid-19 cũng tăng nhanh chóng.