Nắm bắt được xu hướng và đi đến cùng với thị trường di động là thành công đáng ghi nhận của ông Nguyễn Đức Tài (cùng những cộng sự), kết quả cho ra đời chuỗi Thế giới Di động với hàng ngàn chi nhánh trải dài toàn quốc (chiếm 45% thị phần năm 2018), tổng doanh thu lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Tiếp nối sau đó là chuỗi Điện Máy Xanh phát triển vượt bậc để nắm giữ 35% thị phần đến cuối năm 2018, và gần nhất có mô hình Bách Hoá Xanh đang đi đúng hướng sau nhiều hoài nghi, tranh cãi thuở bắt đầu hành động.
Ngược lại, Thế giới Di động (MWG) cũng chưa thành với một vài dự án – có thể nói không kém "thiên thời địa lợi" khi đón nhận "trend" thị trường – song nhân lại chưa hoà.
Những lần "không muốn đứng ngoài lề" chưa thành
Đơn cử là việc ra đời trang thương mại điện tử Vuivui.com vào cuối năm 2016, lúc này cũng là giai đoạn thị trường B2C (Business to customer) bùng nổ với hàng loạt đơn vị gia nhập, MWG tuyên bố mạnh mẽ muốn trở thành số 1 tại Việt Nam. Tuy nhiên, tháng 11/2018 cũng là điểm kết cho Vuivui.com chỉ sau chưa đầy 2 năm hoạt động bởi "không muốn đốt tiền cho thương mại điện tử". Điều chúng ta không biết được, MWG đã tiêu tốn bao nhiêu cho cuộc chơi dở dang này?
Hay chuỗi An Khang, không chịu thua kém những "đại gia điện máy" khác như Digiworld, FPT Retail, Nguyễn Kim… MWG cũng tiện thể mở rộng sang bán dược phẩm khi thị trường này được định giá đến cả tỷ đô và còn nhiều dư địa tăng trưởng. Miền đất hứa này sau đó mau chóng phai nhoà, MWG dự kiến "để dành" phát triển sau vài năm nữa. Chi 62 tỷ mua lại An Khang, tính đến 30/6 MWG đang "ôm lỗ" vài tỷ với mảng dược.
Một tham vọng khác hiện vẫn khá mờ nhạt so với kỳ vọng ban đầu, chuỗi điện thoại Bigphone ở thị trường nước ngoài với 10 cửa hàng tập trung chủ yếu tại Phnôm Pênh, Campuchia. Nhắm thấy thị trường điện thoại ở thị trường này còn sơ khai (tương đương Việt Nam 15 năm trước), Bigphone "vội vã" là chuỗi cửa hàng lớn nhất ở Campuchia, song thực tế mô hình cần nhiều thời gian hơn để "làm quen" với người tiêu dùng. Kế hoạch mở cửa hàng cũng như đẩy mạnh theo đó bị chậm, một phần nguyên nhân khác do việc tìm nguồn hàng khó khăn.
Những tưởng doanh nghiệp tạm gác lĩnh vực ngoài lề để tập trung đẩy mạnh Bách Hoá Xanh chóng đạt điểm hoà vốn (tính cả chi phí kho bãi), mới đây MWG tuyên bố muốn chiếm phân nửa thị trường đồng hồ (chỉ sau chưa đầy một năm thâm nhập).
Song song, MWG còn mở chuỗi Điện thoại siêu rẻ - nhiều ý kiến nhận định bản thân "ông lớn" cũng không muốn đứng ngoài cuộc chơi mới nổi của những hàng điện thoại giá rẻ Trung Quốc.
Muốn chiếm phân nửa thị trường đồng hồ
Thứ nhất với thị trường đồng hồ, manh nha cho lĩnh vực này là chiến lược "bán những gì chưa từng bán, tiếp cận khách hàng chưa từng tiếp cận" chỉ để duy trì đà tăng trưởng doanh thu, trước áp lực chuỗi hàng di động và điện máy dần bão hoà, trong khi Bách Hoá Xanh chưa hoà vốn.
Tuy nhiên, bằng việc tận dụng không gian, nhân viên… sẵn có tại các chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh, MWG "dễ dàng" cạnh tranh bằng cách giảm giá 20% với sản phẩm đồng hồ và mang về 25% doanh số, đóng góp đà tăng lên đến 10%/cửa hàng; MWG đặt mục tiên đến giữa năm 2020, chuỗi này dự kiến mở được 500 cửa hàng bán đồng hồ (và mắt kính), tương đương tổng số lượng cửa hàng mắt kính lớn hiện nay tại Việt Nam - theo dự báo của ông Đoàn Văn Hiểu Em – CEO MWG.
Ngoài đồng hồ, Thế Giới Di Động vừa chính thức mở cửa hàng bán mắt kính thời trang đầu tiên ở quận 9, TP.HCM với số lượng kinh doanh là 600 mẫu. Tương tự mặt hàng đồng hồ kính thời trang sẽ phục vụ nhóm khách hàng trung cấp, với giá bán nằm trong mức 600 ngàn đến 3 triệu đồng.
Theo vị này, quy mô thị trường mắt kính sẽ lớn hơn đồng hồ, vốn khoảng 1 tỷ USD (hàng phân phối chính hãng). Ước tính mỗi ngày một cửa hàng Thế Giới Di Động bán được khoảng 25 - 30 đồng hồ, tương đương 25% doanh số của một cửa hàng 4 tỷ đồng/tháng.
Ông Hiểu Em bày tỏ mong muốn mở rộng các mặt hàng này nhanh hơn nhưng khả năng cung cấp của đối tác vẫn chưa kịp đáp ứng. "Với số lượng này, Thế Giới Di Động muốn chiếm một nửa thị trường đồng hồ chính hãng", người cầm cương khẳng định.
Thêm một tham vọng chiếm lĩnh một thị trường tỷ đô mới, trong bối cảnh tham vọng Bách Hoá Xanh chưa thực sự đến đích. Tăng trưởng tốt là vậy, tuy nhiên bên cạnh thuận lợi luôn là những thách thức, thị trường đồng hồ (mắt kính) ngắn hạn đem về mức tăng trưởng tốt, dài hạn muốn thống lĩnh là câu chuyện hoàn toàn khác.
Giải quyết sự phân mảng thị trường, thay đổi thói quen niềm tin người tiêu dùng, cạnh tranh với các đổi thủ lớn (như PNJ cũng có lộ trình rõ ràng với thị trường đồng hồ)… có thể nhiều việc để làm cho MWG.
Thứ hai, với chuỗi Điện thoại giá rẻ, theo chia sẻ của người bán hàng mục tiêu chuỗi hướng đến phục vụ những người dùng cần mua điện thoại với mức giá rẻ, dĩ nhiên giảm thiểu tối đa các dịch vụ đi kèm hoặc thu lại quà khi khách hàng mua máy.
Hiện, "chính chủ" chuỗi chưa chia sẻ thêm về kế hoạch với bước đi mới này, tuy nhiên theo một số chuyên gia, đây có thể là động thái cạnh tranh hàng xách tay hoặc muốn nhập thêm những thương hiệu smartphone Trung Quốc mới nổi của MWG; thậm chí nhiều ý kiến cho rằng "ông lớn" đang muốn cạnh tranh trên diện rộng đến cả những cửa hàng nhỏ lẻ, hộ gia đình.
Nhiều ý kiến cho rằng "ông lớn" đang muốn cạnh tranh trên diện rộng đến cả những cửa hàng nhỏ lẻ, hộ gia đình.
Tựu trung, MWG vẫn đang duy trì được tỷ lệ tăng trưởng tương đối cao (mặc dù mảng online ghi nhận giảm sút thời gian gần đây), đặc biệt chuỗi Bách Hoá Xanh – tiềm năng dài hạn - phát đi những tín hiệu tốt đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Mặc dù vậy, kết quả vẫn còn phía trước, khi mà áp lực ngày càng cao từ các chuỗi bán lẻ ngoại (đặc biệt E-commerce); cạnh tranh mảng thực phẩm bởi Saigon Co.op, Satrafoods…; chi phí vận chuyển từ DC đến shop khá cao (3% doanh thu Bách Hoá Xanh); chưa đạt điểm hoà vốn trong bối cảnh áp lực tỷ lệ tiêu huỷ gia tăng do mở rộng sang thực phẩm tươi sống (2,5% doanh thu chuỗi) cùng việc "tiêu tiền" đầu tư mở rộng (đồng hồ, mắt kính, chuỗi điện thoại giá rẻ)… là những điểm đáng lưu ý trong bức tranh tổng thể của doanh nghiệp.
Theo Trí thức trẻ