Đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh xác nhận, Tập đoàn này có tâm thư xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua lô đất 3-12 thuộc khu chức năng số 3 trong Khu đô thị Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức, TP.HCM) vào ngày 11/1.
Trong tâm thư, ông Đỗ Anh Dũng Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn khẳng định, chấp nhận chịu mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định đấu giá tài sản công của pháp luật.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội đánh giá, việc tổ chức đấu giá đất hiện nay vẫn chưa chặt chẽ, vẫn có kẽ hở để đẩy giá, thổi giá và đây là một minh chứng. Khi đơn vị đấu giá thả giá cao bất thường với giá thực tế.
“Việc đấu giá đất thì quyền tự do các doanh nghiệp nào cũng có thể vào đấu giá, để hạn chế việc đẩy giá, thổi giá thì phải tổ chức đấu giá rộng rãi và tập trung. Ở trong một khu vực thực hiện đấu giá nhiều mảnh đất, nhiều phiên, doanh nghiệp sẽ không thổi giá được. Cơ quan quản lý cho đặt cọc cao lên sẽ khiến doanh nghiệp khó thổi giá” - ông Nguyễn Thế Điệp nói.
Ông Nguyễn Thế Điệp phân tích, việc đấu với “giá trên trời” sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản, vì thị trường lấy tham chiếu về giá đất trúng đấu giá nâng giá hàng loạt tác động toàn bộ ngành bất động sản, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Giá đất tăng quá cao không phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế, thu nhập của người dân, nhiều người sẽ không tiếp cận được nhà ở, giải phóng mặt bằng cho các dự án cũng khó hơn. Đây là những điều bất cập.
Doanh nghiệp đấu giá bỏ hợp đồng phải mất cọc là điều đương nhiên, số tiền bỏ cọc mấy trăm tỷ đồng không lớn với thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề này tác động rất lớn làm mất cân bằng về giá cả, nhiễu loạn thị trường khi đất các nơi đều lên giá, ông Nguyễn Thế Điệp cho biết thêm.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, việc đấu giá đất của Tân Hoàng Minh đây là quan hệ hoàn toàn hợp đồng là bình đẳng, minh bạch, công khai và theo đúng luật. Chế tài duy nhất đấy là trước khi ký hợp đồng đấu giá mất tiền đặt trước, sau khi ký hợp đồng thì chuyển sang đặt cọc.
“Nguyên tắc của đặt cọc là doanh nghiệp không thực hiện hợp đồng thì mất tiền cọc. Vấn đề xử lý, xử phạt doanh nghiệp thì phải phát hiện gian lận, thông thầu… Đây chỉ đơn thuần là bài toán kinh tế doanh nghiệp không đáp ứng được thì mất tiền. Theo Luật Đấu giá, khi đấu giá xong bỏ không ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng xong rồi không thực hiện, phát cọc theo luật” - luật sư Trương Thanh Đức nói./.